Bí thư Hà Nội "xót ruột" khi trẻ mầm non phải bốc thăm giành suất học
(Dân trí) - Bí thư Hà Nội bày tỏ sự xót ruột khi nghe báo chí phản ánh việc quận Hoàng Mai phải tổ chức bốc thăm giành suất học cho trẻ mầm non.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra tại quận Hoàng Mai chiều 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP) cho biết, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại về quy hoạch, quản lý theo quy hoạch.
Tại các hội nghị trước đây, cử tri đã nhiều lần kiến nghị về hiện trạng đầu tư hạ tầng xã hội (trường học, bãi đỗ xe…) của các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai chậm được đầu tư, xây dựng. Trong khi đó, một trong những bất cập tại quận Hoàng Mai là thiếu trường học. Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Tổng Công ty HUD) đã làm báo cáo xin trả lại đất xây trường, làm bãi đỗ xe chưa được đầu tư.
Bí thư Hà Nội cho hay, theo quy định của luật, nếu đất đai được giao nhưng 2 năm không đưa vào khai thác phải thu hồi. Thực tế "không thu được cái nào mà lại để không tận 20 năm".
"Thiếu trường, thiếu lớp nên Hoàng Mai mới phải tổ chức bốc thăm. Tôi nghe báo chí đăng tải mà xót ruột quá!" - Bí thư Hà Nội bày tỏ.
Tiếp tục chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, ông rất trăn trở với vấn đề giải quyết thủ tục hành chính qua các cấp của thành phố và cho biết, tại huyện Gia Lâm, muốn xây một ngôi trường cấp 3 mà địa phương xin 3 năm không được; huyện Gia Lâm xin bỏ tiền ra tự làm nhưng vướng thủ tục trên sở ngành nên 3 năm vẫn chưa xong.
Về vấn đề này, theo ông Dũng, tỉnh, thành quản lý nhà nước về mặt giáo dục, còn cơ sở vật chất thì không.
"Tư tưởng không thông thì vác bình tông không được. Nhận thức pháp luật không đúng nên áp dụng pháp luật không xong. Như thế là trì trệ, như thế là kìm hãm sự phát triển" - ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 27-28/8 vừa qua, hàng trăm phụ huynh ở quận Hoàng Mai phải tham gia bốc thăm để giành suất cho con (lứa 3-4 tuổi) vào trường mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023. Theo chính quyền sở tại, đây là tình huống "bắt buộc phải làm" và "không còn cách nào khác".
Đáng chú ý, dù phải tổ chức bốc thăm cho trẻ 3-4 tuổi đi học mầm non nhưng nhiều ô đất được quy hoạch xây trường mầm non ở phường Hoàng Liệt lại bị bỏ hoang 20 năm, không được đầu tư.
Theo cán bộ UBND phường Hoàng Liệt, trong số 12 ô đất quy hoạch trường học trên địa bàn đang bị bỏ hoang thì có 6/7 ô (C1/TH1; C1/TH2; C1/NT3; C1/TH3; F5/TH3; F5/NT5) do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư, đã quây tôn khoảng 20 năm, để cỏ dại mọc hoặc chỉ tận dụng làm bãi trông xe. Trong đó, 5 ô đất đã bị Tổng Công ty HUD chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp…
Trước nghịch cảnh có đất quy hoạch làm trường học mà chủ đầu tư lại bỏ hoang, gây áp lực cho ngành giáo dục, UBND quận Hoàng Mai đã kiến nghị xin được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách quận đối với 7 ô đất bị doanh nghiệp bỏ hoang đó.
Tính đến tháng 5 năm nay, quận Hoàng Mai có 90 trường học, tăng 39 trường so với năm 2003 (gồm 58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập). Số học sinh toàn quận là gần 96.800 học sinh.
Hiện thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng Công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các ô đất xây trường về quận quản lý, đầu tư trong năm 2022; báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo trước ngày 15/10.