Bí thư Hà Nội: Tinh thần là giữ quận Hoàn Kiếm

Hà Mỹ

(Dân trí) - Nhấn mạnh quận Hoàn Kiếm có những yếu tố văn hóa và lịch sử đặc thù, Bí thư Hà Nội cho biết tinh thần chỉ đạo của thành phố là "giữ ổn định" nhưng các minh chứng phải đầy đủ để thuyết phục.

Sáng 9/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì đối thoại với các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội. Tại đây, chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm là vấn đề được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. 

Trao đổi về việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Hà Nội cho biết thành phố có 1 đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Để thực hiện, tới đây, thành phố sẽ xây dựng đề án cụ thể, thống kê từng đơn vị địa phương cụ thể theo 2 tiêu chí cứng là dân số, diện tích. Cùng với đó, xem xét tiêu chí thứ ba - tiêu chí vô cùng quan trọng là yếu tố văn hóa, lịch sử. Đây cũng là tiêu chí có trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Ví dụ quận Hoàn Kiếm có từ thời vua Lý Thái Tổ, có những yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù. Tinh thần chỉ đạo của thành phố là sẽ bảo vệ quan điểm giữ ổn định nhưng các minh chứng phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục", theo Bí thư Hà Nội. 

Với các xã, phường - nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù khác, ông Dũng cho biết cũng phải thuyết minh, thuyết phục; còn lại phải thực hiện theo đúng quy định.

Bí thư Hà Nội: Tinh thần là giữ quận Hoàn Kiếm - 1

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết quan điểm của thành phố là "giữ ổn định" quận Hoàn Kiếm (Ảnh: Viết Thành).

Ngoài nội dung trên, Bí thư Hà Nội nói thêm về quản lý, sử dụng vỉa hè và khẳng định thành phố có chủ trương tiến tới cho thuê lòng đường, vỉa hè nhưng chưa phải bây giờ, vì hai lý do.

Thứ nhất, muốn cho thuê phải có thiết kế đô thị. Đây là vấn đề thành phố đang chỉ đạo các quận và các cơ quan chuyên môn triển khai.

Thứ hai, thời điểm triển khai phải phù hợp trong khi tình hình kinh tế đang khó khăn, sinh kế của nhiều người dân còn phụ thuộc nhiều vào vỉa hè, lòng đường.

Theo ông Dũng, trong quy trình làm quy hoạch thiết kế đô thị, thành phố yêu cầu các cơ quan cũng phải thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến nhân dân, khi có sự đồng thuận mới tổ chức triển khai. Do đó, phải tổ chức để người dân tự quản chứ không phải huy động các lực lượng công an kiểm tra, giám sát xử lý. 

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Phạm Chi Linh cũng đặt câu hỏi việc khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng.

Trả lời, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết UBND thành phố đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.

Theo ông Kỳ Anh, Hà Nội trước đây phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng nhưng theo điều chỉnh quy hoạch và Quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố.

Dù vậy, các địa phương vẫn cần triển khai rà soát theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là khoanh vùng hành lang thoát lũ; đồng thời, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm...

Ngày 31/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết Hoàn Kiếm hiện mới chỉ được đánh giá trên tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Ngoài ra, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.

Quận Hoàn Kiếm gồm 18 phường nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Quận rộng 5,29km2 với dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.