Bí thư Hà Nội: Sắp xếp bộ máy đừng vì người này hạ người khác!
(Dân trí) - “Việc sắp xếp phải minh bạch, đừng vì người này hạ người khác xuống thì họ sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng. Đây là vấn đề khó, TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện, giải quyết dần dần chứ không phải một mẩu giấy A4 là xong”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Ngày 30/10, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ với báo chí quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn. Theo ông Hải quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế bao giờ cán bộ, công chức cũng có tâm tư. Tuy nhiên, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức cũng chia sẻ.
- Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 39, TP Hà Nội đã giảm được hàng trăm phòng ban, giảm hàng trăm trưởng phó phòng và giảm được gần 1.000 cán bộ, công chức. Quá trình thực hiện như vậy, cán bộ, công chức TP Hà Nội có tâm tư gì không?
- Quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, bao giờ cũng có tâm tư trong đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng nếu như quá trình này làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức thấy hợp lý thì họ cũng chia sẻ và cùng hi sinh. Ví dụ làm thế nào để mọi người cùng thấy số lượng cán bộ, công chức nhiều quá, số người ngồi chơi lại nhiều hơn người làm. Quá trình sắp xếp ban quản lý dự án của TP Hà Nội cũng có người nói là hợp lý bởi cả năm họ chỉ có một hai dự án, trong khi phải nuôi mấy chục người.
Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy phải minh bạch, để người ta thấy là qua việc này cuối cùng những người “cánh hẩu” thì được, còn những người khác thì bị loại. Hà Nội đã tuyên truyền, minh bạch trong quá trình này nên anh em không tâm tư.
Thực tế, một người đang là trưởng phòng đưa xuống là phó phòng, phó phòng xuống chuyên viên thì ai cũng có tâm tư bởi phía sau họ có cả gia đình, vợ con. Cái đó cũng phải làm cho người ta hiểu, chia sẻ với mình, thậm chí cả gia đình họ cũng phải được giải thích.
Việc sắp xếp nhân sự như vậy hôm nay làm chức này, ngày mai làm chức khác thì cũng là chuyện bình thường, không phải là cái gì ghê gớm. Đây cũng không phải là kỷ luật mà là sắp xếp lại vị trí không còn cần thiết nữa trong bộ máy.
Qua thực thế, cho thấy việc sắp xếp đó phải minh bạch, đừng vì người này hạ người khác xuống thì họ sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng. Đây là vấn đề khó, TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện, bởi nhiều vấn đề tồn tại trong những năm qua phải giải quyết dần dần chứ không phải một mẩu giấy A4 là làm xong.
- Quá trình sắp xếp như vậy có tác động gì đến quá trình vận hành của bộ máy hành chính thành phố hay không?
- Sắp xếp, tinh giản bộ máy như vậy thấy rõ hiệu quả tốt hơn, khối lượng công việc làm được nhiều hơn, trong khi đó số người ít hơn, đặc biệt các đầu mối ít hơn. Nhưng như tôi nói vấn đề này đòi hỏi cả một quá trình, chứ không phải ngay một lúc mà thể hiện được. Cả một mô hình tổ chức như vậy thì trong một năm chưa thể thể hiện được.
- Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội chỉ ra hàng loạt bất cập trong quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính trong 2 năm qua. Một trong những vấn đề được chỉ rõ phần lớn đối tượng tinh giản là người về hưu, chứ không phải là người có năng lực yếu kém, không đáp ứng nhu cầu công việc, thưa ông?
- Quá trình thực hiện Nghị quyết 39 trong vòng 5 năm, chứ không phải 1-2 năm mà đã xuống 10%. Nhiệm vụ thực hiện giảm 10%, trong đó có cả lực lượng sự nghiệp, chứ không phải chỉ có công chức. Với phần viên chức, dân số càng tăng thì lại càng tăng viên chức, bởi viên chức đi theo dịch vụ công, như cô giáo, bác sĩ thì số đó lại phải tăng, trong khi đó nhiệm vụ lại bảo giảm 10%. Cho nên, đó là quá trình 5 năm anh phải đạt được, chứ không phải trong vòng 1-2 năm.
Hiện TP Hà Nội cũng đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện. Tức là một người tự nguyện xin nghỉ làm việc thì có cơ chế hỗ trợ thêm như thế nào ngoài những chính sách của nhà nước. Thường các nước làm theo sơ đồ như vậy, đây là sơ đồ rất nhân văn.
- Việc Hà Nội sáp nhập với Hà Tây cũng khiến bộ máy hành chính cồng kềnh. Vậy quá trình sắp xếp lần này có khắc phục được tình trạng này?
- Vừa rồi TP Hà Nội phải sắp xếp lại nhiều đơn vị cũng là vì hậu quả của việc sáp nhập trước đây. Việc sáp nhập như vậy thì số lượng cán bộ, công chức cũng bị dư ra. Việc này phải giải quyết dần chứ không phải làm một lúc là được ngay. Sang năm là 10 năm sáp nhập, lúc đó TP sẽ kiên quyết đưa bộ máy về một mô hình chuẩn.
- Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)