Bí thư Hà Nội: Làm quyết liệt hơn nữa, nếu không F0 sẽ tiếp tục tăng cao!
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo phải làm quyết liệt hơn nữa nếu không số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao...
Thông điệp trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua năm 2022, diễn ra ngày 14/12.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021, tình hình trên địa bàn phức tạp chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng của thành phố đã hoàn thành, Hà Nội đã giữ được các chỉ tiêu cán cân lớn, tăng trưởng GRDP đạt 2,92%.
Trong bối cảnh phức tạp, thành phố đã phải thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội, tuy nhiên, công tác an sinh xã hội luôn được bảo đảm, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách thực chất.
Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất lớn, là năm bản lề của phát triển, vì vậy nhiệm vụ còn rất nặng nề, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đội ngũ lãnh đạo phải quyết liệt hơn nữa.
Về kế hoạch năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, người đứng đầu từng địa bàn phải chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19.
Với từng lĩnh vực cụ thể, Bí thư Đinh Tiến Dũng đã phân tích rõ những điểm nghẽn hiện nay và gợi mở các biện pháp tháo gỡ.
Sau khi nêu ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nhất là về các trạm y tế… ông Dũng chỉ đạo, phải làm quyết liệt hơn nữa nếu không số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao; phát động hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể tham gia giám sát việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào dân số và yêu cầu phòng chống dịch theo từng địa bàn để tăng cường thêm trạm y tế lưu động…
"Lãnh đạo UBND thành phố phải phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc thường xuyên, có kế hoạch thực hiện chi tiết…" - ông Dũng yêu cầu thêm.
Trước đó, trao đổi với báo chí sau cuộc họp được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, diễn ra vào ngày 13/12, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan vẫn còn phổ biến, biểu hiện là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện "5K" trong tổ chức lễ, đám; ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.
Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ, tiếp tục làm thật tốt yêu cầu phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung nâng cao năng lực y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở; tiếp tục coi người dân là trung tâm, chủ thể.
Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đi đến thống nhất và yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch…