Bí thư Hà Nội: Dự án Yên Xá giúp làm sạch 3 con sông quan trọng
(Dân trí) - Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh hệ thống xử lý nước thải Yên Xá không chỉ giúp thành phố đạt chỉ tiêu về xử lý nước thải, dự án này còn góp phần làm sạch các con sông quan trọng của thủ đô.
Sáng 28/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi kiểm tra tiến độ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 16.300 tỷ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Sau khi nghe báo cáo của các bên liên quan tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá dự án trên không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải của thành phố, mà còn góp phần trong việc làm sạch các con sông quan trọng của thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét.
"Dự án cũng phục vụ cho gần một triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xử lý nước thải nêu trên", ông Dũng nói và nhấn mạnh dự án còn là một minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp 50 năm qua giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Bày tỏ sự hài lòng khi nhà máy đến nay đã hình thành, các kỹ sư, công nhân đang tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng, Bí thư Hà Nội cho biết đây là tín hiệu đáng mừng trong những ngày đầu xuân năm mới, khi nhà máy có thể sớm hoàn thành đưa vào phục vụ người dân thủ đô.
Bên cạnh tiến độ triển khai thi công rất tích cực của gói thầu số 1, 2, ông Dũng lo ngại gói thầu số 3, 4 của dự án tiến độ vẫn còn chậm. Để giải quyết các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án, ông giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.
Theo đó, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện của chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị có liên quan được bàn giao mặt bằng, cấp phép công trình ngầm và triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để hoàn thành nhanh nhất việc này.
Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội tập trung phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng gói thầu số 3 cũng như hoàn thiện thủ tục sớm đấu thầu lựa chọn nhà thầu cho gói này trở lại ngay trong năm 2024.
Cùng với đó, các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công gói thầu số 4 bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
Đối với đề xuất thi công 9 bể lắng sơ cấp và 6 bể nén bùn trọng lực, Bí thư Hà Nội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP cùng các sở, ngành xem xét, tham mưu, đánh giá sự cần thiết và tổ chức thực hiện quyết liệt chỉ đạo, không để phải cắt bớt hạng mục ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của dự án.
Lưu ý vấn đề xử lý bùn thải từ nhà máy, ông Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo nghiên cứu tổng thể, quyết liệt để sớm có báo cáo đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài bảo đảm nhà máy vận hành an toàn, bền vững.
"Tôi đề nghị chủ đầu tư cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị khẩn trương triển khai thi công ngay nhằm bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đáp ứng thắng lợi nhiệm vụ được giao", Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km.
Trong đó, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.
Dự án đã được khởi công triển khai thi công từ năm 2019, triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu. Đến nay, gói thầu số 1 là xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã thi công hoàn thành 97%, dự kiến vận hành thử trong quý II năm nay.
Gói thầu số 2 là xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thực hiện đến nay đã hoàn thành 90% tiến độ.
Gói thầu số 3 là xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ đạt khoảng 10% khối lượng. Còn lại, gói thầu số 4 là xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới đạt khoảng 16% khối lượng công việc.