Bí quyết xây dựng đô thị thông minh nơi vùng cao biên giới Lào Cai
(Dân trí) - Khi công nghệ thông tin được chú trọng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng có xu hướng đi lên.
Trong suy nghĩ của nhiều người, Lào Cai là một tỉnh biên giới, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, với những lối mòn uốn khúc quanh co theo sườn dốc lên tới đỉnh núi cao nhất Đông Dương.
Địa phương này cũng thường được nhắc đến trong các bản tin với hình ảnh lũ quét, hoa màu bị cuốn trôi, trâu bò chết vì băng giá.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một nơi như vậy có thể khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh và mở cửa Cổng hành chính công trên Zalo trong cùng một ngày?
Ý tưởng từ đầu những năm 2000
Trong kho tư liệu của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai có những đoạn phim đen trắng từ thế kỷ trước. Nó ghi lại hình ảnh của Lào Cai những ngày đầu tái lập tỉnh, năm 1991. Tiêu điều, xơ xác là những từ có thể dùng để mô tả đô thị tỉnh lị. Sau chiến tranh, kết cấu hạ tầng của cả tỉnh hầu như không còn gì, 87% số xã không có điện, 17 vạn người mù chữ, 54% số hộ dân thuộc diện đói nghèo.
Trong khoảng thời gian này, ý tưởng đầu tiên về phát triển công nghệ để đón đầu xu hướng đã được ấp ủ. Mục tiêu của chính quyền địa phương là xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là tỉnh khá của cả nước. Mặc dù vậy, xuất phát điểm của tỉnh được ghi nhận là rất thấp. Ứng dụng duy nhất mà người dân và nhiều cán bộ mường tượng về công nghệ thông tin (CNTT) đầu những năm 2000 chỉ là soạn thảo văn bản trên máy vi tính.
Chính quyền điện tử là nhiệm vụ đầu tiên cần chinh phục. Bằng việc xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền tỉnh muốn tạo ra một động lực mới cho công tác cải cách hành chính. Khi người dân và doanh nghiệp hài lòng, kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai mới có thể phát triển.
5 lĩnh vực trọng tâm đã được chính quyền tỉnh nêu ra để tập trung thực hiện:
Một là, phát triển hạ tầng CNTT - viễn thông
Hai là, phát triển nguồn nhân lực cho việc triển khai ứng dụng CNTT.
Ba là, phát triển các dịch vụ, cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng Chính quyền điện tử.
Bốn là, chia sẻ các ứng dụng để người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền tham gia vào việc sử dụng các ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử.
Năm là, quản lý, khai thác các ứng dụng CNTT, sử dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bằng những giải pháp cụ thể, Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai dần hoàn thiện. Việc quản lý văn bản, xử lý, giải quyết công việc, gửi nhận văn bản điện tử hoàn toàn trên mạng, có tích hợp chữ ký số và tự động nhận dạng, bóc tách thông tin. Điều này giúp cho người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục hành chính. Kết quả tiếp nhận xử lý văn bản cũng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ nhờ hệ thống kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia. Đơn thư khiếu nại, tố cáo được quản lý bằng phần mềm. Kết luận, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền có phần mềm theo dõi và tự động thông báo nhắc việc bằng tin nhắn.
Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử.
Xây dựng “Trung tâm điều hành đô thị thông minh” đầu tiên ở Tây Bắc
Điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai luôn đạt mức cao kể từ khi CNTT được chú trọng phát triển. Năm 1991, tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn (GRDP/người) của tỉnh là 0,5 triệu đồng, bằng 71,4% so với bình quân chung của vùng và 45,5% so bình quân cả nước. Đến năm 2017, GRDP/người đạt 52,1 triệu đồng (gấp 103 lần so năm 1991), cao thứ hai trong số các tỉnh trong vùng (sau Thái Nguyên) và bằng 95,7% so với mức bình quân cả nước. Bình quân, tốc độ tăng trưởng GRDP của Lào Cai đạt 11,4%/năm.
Trong lúc CNTT đã được ứng dụng trong nhiều ngành, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp thì một mục tiêu mới được đề ra: Xây dựng đô thị thông minh.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Lào Cai được khai trương ngày 09/8.
Ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước còn chưa hiểu rõ về mô hình này. Thậm chí, có nơi dùng kinh nghiệm xây dựng Chính quyền điện tử cách đây 10-15 năm để phát triển đô thị thông minh, một mô hình mới đối với cả thế giới.
“Các địa phương tự mày mò xây dựng mục tiêu, tìm kiếm giải pháp rồi trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau dần hình thành nên một mục tiêu chung. Cách làm này ở một khía cạnh nào đó là thành công, nhưng trả giá không nhỏ. Không ít các ứng dụng được xây dựng, thay thế, chuyển đổi hay nói cụ thể hơn là “đập đi làm lại” không chỉ một lần. Một sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước. Phát triển đô thị thông minh tại các địa phương có dấu hiệu đang đi theo con đường đó” – ông Vương Trinh Quốc nói.
Thay vì cách làm đó, Lào Cai chọn hướng đi an toàn là dựa vào sự thành công của Chính quyền điện tử. Lấy chính quyền thông minh làm nền tảng cốt lõi để phát triển các dịch vụ, ứng dụng đô thị thông minh. Trong giai đoạn đầu, tập chung vào các dịch vụ chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể:
Bộ 3 phần mềm du lịch thông minh (gồm: Cổng thông tin du lịch; Ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh; Phần mềm quản lý lưu trú) đã được đưa vào sử dụng.
Đối với lĩnh vực Y tế, triển khai đồng bộ phần mềm quản lý, lưu trữ và truyền tải hình ảnh đến các bệnh viện trên toàn tỉnh nhằm số hóa dữ liệu ngành y tế; triển khai sổ sức khỏe điện tử đồng bộ với phần mềm quản lý chung tại các bệnh viện.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thí điểm triển khai: Lớp học thông minh; hệ thống Cổng thông tin điện tử của ngành; Thư viện học tập trực tuyến; Thẻ học sinh thông minh,…
Trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc mực nước, cảnh báo lũ sớm đã được đầu tư. 10/12 nhà máy tại KCN Tằng Loỏng đã kết nối với hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động.
Công an thành phố Lào Cai giám sát giao thông, an ninh, trật tự qua hệ thống camera.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Lào Cai khai trương ngày 09/8 là bước tiếp theo trong kế hoạch xây dựng đô thị thông minh. Tại đây đã tích hợp hệ thống camera quan sát du lịch tại 3 diểm du lịch của tỉnh và các hệ thống camera quan sát của thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bảo Thắng. Trung tâm cũng được tích hợp và thử nghiệm các hệ thống như: Cảnh báo cháy tự động, Hệ thống cảnh báo thời tiết, Hệ thống Camera đếm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại 01 điểm trên quốc lộ 4D (nút Cốc San). Tỉnh đã triển khai thí điểm hệ thống giám sát, tự động phân tích và cảnh báo những phản ánh của người dân về chính quyền trên báo chí.
Kênh tương tác giữa chính quyền với người dân
Cũng trong ngày khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh, tỉnh Lào Cai đã chính thức ký kết hợp tác triển khai ứng dụng Zalo trong xây dựng chính quyền điện tử. Giới thiệu về “Cổng hành chính công Lào Cai trên Zalo”, ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, tỉnh chọn mạng xã hội này làm kênh tương tác với người dân vì có tới 300.000 người Lào Cai đang sử dụng Zalo. Thông qua tương tác, hỏi đáp, chính quyền lắng nghe được mong muốn của người dân và người dân tiếp cận trực tiếp với tiếng nói phát ngôn từ chính quyền.
“Đây là một kênh thông tin mà chúng tôi đang xây dựng để thông qua kênh này, người dân khi quan tâm Cổng hành chính công Lào Cai trên Zalo sẽ được đọc những thông tin chỉ đạo điều hành quan trọng của tỉnh” – ông Tăng Văn Hạnh khẳng định.
Tính năng thông tin chủ động trên ứng dụng này cho phép chính quyền phát đi cảnh báo thiên tai đối với người dân để phòng, tránh trú.
Về thực hiện dịch vụ công, Cổng hành chính công Lào Cai trên Zalo hỗ trợ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ. Bằng việc quét mã trên giấy biên nhận hồ sơ, người dân sẽ biết được hồ sơ đang được giải quyết ở bộ phận nào, bao giờ được trả kết quả.
“Khi người dân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa thì hệ thống sẽ tự động nhắn tin cho người dân để mời quan tâm trang Cổng hành chính công Lào Cai. Nếu đã bấm quan tâm thì sẽ nhận được tin nhắn ngay lập tức về trạng thái giải quyết hồ sơ. Ví dụ: Hồ sơ đã được tiếp nhận, hồ sơ đã chuyển cho các phòng ban chuyên môn, hồ sơ đang chờ phê duyệt,… để làm sao người dân có thể nắm được thông tin hồ sơ này. Đấy là một khác biệt. Tuy triển khai ứng dụng Zalo sau nhiều tỉnh thành nhưng chúng tôi đã làm được các giải pháp như vậy” – ông Tăng Văn Hạnh cho biết.
Tra cứu thông tin homestay ở huyện Bắc Hà với thao tác đơn giản tại “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo. Ảnh chụp màn hình.
Khách du lịch Sa Pa, Y Tý, Bắc Hà có thể tìm thấy thông tin homestay, địa điểm du lịch tại “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo. Đây đều là những cơ sở đã đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương và công khai số giường/phòng.
Để phục vụ nhu cầu di chuyển từ ga Lào Cai và bến xe trung tâm đến thị trấn Sa Pa, huyện Bát Xát… “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo cũng có danh mục cung cấp thông tin các tuyến xe buýt.
“Chat” với người dân để thu nhận kiến nghị
Những tiện ích trên chỉ mới là phần nhỏ trong “Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2018 – 2025”. Ông Nguyễn Duy Hòa, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lào Cai cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tích hợp tính năng tra cứu kiến nghị của cử tri đối với HĐND trên Zalo. Nếu thành công, Lào Cai sẽ trở thành tỉnh đầu tiên mà cơ quan dân cử, và các sở ngành thuộc UBND cùng tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân trên ứng dụng điện thoại.
Khi hoàn thành đô thị thông minh, người dân Lào Cai có thể làm mọi việc chỉ với một thiết bị điện tử cầm tay: chọn dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; biết được tình hình giao thông trên địa bàn; thực hiện dịch vụ công trực tuyến và nhận kết quả tại nhà,… chấm dứt việc đi lại lòng vòng giữa các cơ quan.
UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, việc đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo động lực mới cho công tác cải cách hành chính, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh thời gian qua không dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự đột phá.
Khi được hỏi về nhận định của cá nhân về quá trình xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định:
- Quan điểm của tỉnh Lào Cai là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo phấn đấu.
An Bình