1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Bị nợ tiền lương, thuyền viên tàu Hearty Falcon kêu cứu

(Dân trí) - Cho rằng công ty nợ tiền lương nhiều tháng trong khi thời hạn hợp đồng lao động cũng hết, gia đình ở quê gặp cảnh khó khăn, nhiều thuyền viên trên tàu Hearty Falcon đang ở cảng Mongla của Bangladesh đã gửi đơn cầu cứu.

Muốn hồi hương nhưng không tiền

Báo điện tử Dân trí nhận đơn cầu cứu của 13 thuyền đang làm việc trên tàu Hearty Falcon của Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam - Falcon Shipping (trực thuộc tổng công ty dầu khí Việt Nam). Trong đơn, các thuyền viên cho biết, họ cùng tàu Hearty Falcon đang neo đậu tại cảng Mongla của Bangladesh từ tháng 3/2012 đến nay.

Do không khai thác nên ngày 31/3, công ty đã rút bớt 13 thuyền viên về nước trên tổng số 28 thuyền viên. Ngày 20/6, có 2 thuyền viên là máy trưởng Trần Hiếu Đạo và thủy thủ Đoàn Văn Duy đã bỏ tàu tự làm thủ tục về nước. Hiện tại trên tàu chỉ còn 13 thuyền viên.
Lá đơn kêu cứu của các thuyền viên từ Bangladesh
Lá đơn kêu cứu của các thuyền viên từ Bangladesh

Những thuyền viên còn lại trên tàu Hearty Falcon đã làm việc ít nhất là 10 tháng. Trong số đó, có một số thuyền viên làm việc 14-17 tháng và vượt quá thời gian qui định ký trong hợp đồng lao động với công ty.

Đặc biệt, thuyền viên rất bức xúc về việc công ty còn nợ lương của thuyền viên quá nhiều, gần 10 tháng lương với số tiền từ 53 đến gần 300 triệu đồng/thuyền viên. Cụ thể, đối với thủy thủ, công ty còn nợ 100% lương của tháng 10/2011 và 100% lương các tháng 1,2,4,5,6 năm 2012, riêng tháng 3/2012 công ty trả một phần lương tạm tính là 5 triệu đồng. Đối với sỹ quan vận hành, công ty còn nợ 100% lương các tháng 9,10 của năm 2011 và 100% lương tháng 1,2,4,5,6 năm 2012. Lương tháng 3 năm 2012 công ty trả một phần lương tạm tính là 8 triệu đồng. Đối với 4 sĩ quan quản lý, công ty cũng nợ từ 50-100% lương của vài tháng trong năm 2011, 2012…

Trong khi công ty nợ lượng, muốn về không được thì ở quê nhà, gia đình nhiều thuyền viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, cha của đại phó Hắc Văn Nga là ông Hắc Văn Kính (64tuổi, trú tại thôn 11, xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, ông rất trông mong con trai ông về để lo cho gia đình. Anh Nga đi tàu lâu ngày mà không có lương chuyển về, trong khi ở nhà, vợ anh đang nuôi con nhỏ, mẹ anh đang đau nặng…  

Từ Bangladesh điện về, anh Nga chia sẻ, đa phần anh em thuyền viên đang “kẹt” trên tàu quê ở Thanh Hoá, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An… Ai cũng nóng ruột muốn được hồi hương để giải quyết việc gia đình.

“Thời gian làm việc trên tàu quá lâu, tinh thần căng thẳng, nên các thuyền viên đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu công ty thay người nhưng vẫn không có sự phản hồi từ phía công ty. Chúng tôi đi làm để lo cho gia đình, nguồn thu nhập chỉ nhìn vào đồng lương nhưng công ty nợ quá nhiều. Nhiều gia đình có người ốm đau, nợ ngân hàng chồng chất phải đi vay lãi suất cao để trả nợ. Dù chúng tôi có hiểu được khó khăn của công ty lúc này nhưng lãnh đạo công ty ai có thể hiểu cho những khó khăn của các gia đình thuyền viên?”, Đại phó của tàu Hearty Falcon, Hắc Văn Nga cho biết.

“Công ty nợ chứ không quỵt lương”

Trước những bức xúc của thuyền viên, chúng tôi đã chuyển đơn đến cho lãnh đạo Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam - Falcon Shipping xem xét. Sáng 16/7, làm việc với PV Dân trí, đại diện Falcon Shipping cho biết, do công ty còn nợ tiền với đại lý ở Bangladesh nên đại lý "làm khó" công ty trong việc giải quyết đưa thuyền viên có ý định hồi hương.

Hiện công ty vẫn cung cấp nhiên liệu dầu mỡ đầy đủ cho tàu hoạt động khi neo đậu tại cảng và đảm bảo tiêu chuẩn tiền ăn mỗi ngày cho từng thuyền viên. Với một số thuyền viên hết hạn hoặc quá hạn hợp đồng lao động mà muốn về, công ty đã lên kế hoạch bố trí thuyền viên thay thế. Những thuyền viên còn hợp đồng lao động nhưng tự ý về thì tự chịu chi phí. “Chúng tôi đang ráo riết thay người, càng nhanh càng tốt tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào đại lý bên Bangladesh”, ông Đoàn Ngọc Chiến, Trưởng phòng Thuyền viên của Falcon Shipping cho biết.
Tàu Hearty Falcon của Công ty Falcon Shipping
Tàu Hearty Falcon của Công ty Falcon Shipping

Cũng theo ông Chiến, thời gian qua, Falcon Shipping đã quan tâm, thăm hỏi và ứng lương cho gia đình của một số thuyền viên đang thật sự khó khăn. Trong đó, Đại phó Hắc Văn Nga được công ty ứng trước 60 triệu đồng để lo cho gia đình.

Về khoản lương hơn 2 tỷ đồng mà công ty đang nợ các thuyền viên, ông Đoàn Ngọc Chiến cho biết: “Công ty đang khó khăn và rất cần sự chung lưng đấu cật của anh em. Công ty đang nợ chứ không quỵt tiền lương anh em”.

Tuy nhiên, thời hạn trả tiền nợ lương thì... ông Chiến chỉ cho biết: “Khi nào có điều kiện, công ty sẽ thanh toán”.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm