1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Bị kết luận kê khai tài sản không trung thực thì hậu quả khá là lớn"

(Dân trí) - Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nói vậy khi Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu lực từ hôm nay 20/12.

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá Nghị định số 130/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một chế định quan trọng, ý nghĩa để thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Bị kết luận kê khai tài sản không trung thực thì hậu quả khá là lớn - 1

Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Nguyễn Trường).

Đưa vào "tầm ngắm" khối tài sản bị nghi ngờ có nguồn gốc tham nhũng

-Thưa ông, Nghị định số 130 có những điểm mới, thay đổi quan trọng nào nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị so với trước đây ?

+ Nghị định 130 hướng dẫn thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Đây là một chế định rất quan trọng. Nếu kiểm soát tốt tài sản, thu nhập thì có thể thấy sự bất thường trong khối tài sản hoặc sự gia tăng bất thường của khối tài sản. Qua đó đưa vào "tầm ngắm", nghi ngờ người có khối tài sản đó từ nguồn gốc tham nhũng.

Kiểm soát tốt tài sản cũng là để các cơ quan nhà nước có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hồi tài sản, nhất là khi người đó dính vào vòng tố tụng.

Đối tượng phải kê khai được nêu trong Nghị định 130 vừa rộng lại vừa có trọng tâm. Nếu như trước kia chỉ bắt buộc người có chức vụ quyền hạn từ cấp Phó phòng trở lên, rồi một số chức danh, vị trí công tác có nguy cơ tham nhũng thì hiện nay sẽ bắt buộc phải kê khai đối với tất cả cán bộ, công chức. Tại các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thì đối tượng phải kê khai chỉ từ Phó phòng trở lên.

Ngoài ra là các đối tượng khác như sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp và cả những người ứng cử, bầu cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân…

Nếu tính tổng quát thì số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất là lớn. Nếu như trước kia đối tượng thuộc diện kê khai thì năm nào cũng phải kê khai thì tới đây nếu phải kê khai thì sẽ gọi là kê khai lần đầu. Nếu không có sự biến động gì thì không phải kê khai, hằng năm không phải kê khai - trừ khi người kê khai có tài sản tăng thêm 300 triệu đồng, ở Việt Nam thì giá trị này tương đối lớn và phải giải trình nguồn gốc.

Mặc dù diện kê khai rất rộng, số lượng lớn hơn trước kia nhưng ngược lại thì sẽ tập trung một số đối tượng được cho là có nguy cơ, điều kiện tham nhũng thì phải kê khai hằng năm. Đó là những người giữ chức vụ Giám đốc sở và tương đương trở lên, 13 ngạch công chức, chức danh được chỉ ra trong Điều 10 của Nghị định 130; những người từ phó phòng trở lên làm những công việc liên quan đến tổ chức cán bộ, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, những người trực tiếp giải quyết việc của công dân, cơ quan, tổ chức; những người đại diện phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp

Có thể hình dung là hằng năm chỉ một số người phải kê khai và số lượng như vậy giảm đi rất là nhiều và điều đó thể hiện quan điểm của Đảng vừa mở rộng diện kê khai nhưng vẫn tập trung kiểm soát một số đối tượng có nhiều cơ hội tham nhũng.

Về trình tự, thủ tục kê khai tài sản gần như là quy định cũ, nhưng điểm mới là có cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập mang tính bán chuyên trách, không thành lập cơ quan riêng mà giao cho đầu mối một số cơ quan để thực hiện nhằm chuyên nghiệp, bài bản và đảm bảo hiệu quả hơn.

Khác với trước kia, khi nhận được bản kê khai tài sản thì chỉ ghi vào sổ thì bây giờ các cơ quan được giao nhiệm vụ phải đọc, nghiên cứu bản kê khai ấy để xem có gì bất thường không, nếu có thì sẽ kiểm tra và có quyền yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp thông tin về tài sản.

Bị kết luận kê khai tài sản không trung thực thì hậu quả khá là lớn - 2

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tài sản sẽ mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp dự, chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản. Trong ảnh là khu dinh thự của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái gây ồn ào thời gian dài (Ảnh: Toàn Vũ)

-Quy trình yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản đó sẽ tiến hành như thế nào?

+ Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin về tài sản; yêu cầu cơ quan liên quan phối hợp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, chuyển dịch hoặc hủy hoại tài sản được cho là hình thành từ tham nhũng.

Ví dụ khi biết được một cá nhân không chịu kê khai chiếc ô tô, ngôi nhà, mảnh đất sau nhiều năm sử dụng thì cơ quan này có thẩm quyền yêu cầu cơ quan đăng ký phương tiện, cơ quan quản lý nhà đất cung cấp thông tin các tài sản này được cấp cho ai, ai đứng tên ?. Cơ quan này có thể yêu cầu các tổ chức định giá, thẩm định tài sản nếu nghi ngờ tài sản được kê khai có giá trị thấp hơn so với giá thị trường. Anh khai rằng tài sản này trị giá 100 triệu nhưng tôi có cơ sở tin rằng trị giá của tài sản này phải ở mức 700 triệu đồng thì có quyền yêu cầu thẩm định giá.

Hoặc anh kê khai một cây cảnh đang sở hữu có giá trị thấp nhưng tôi nghi ngờ giá trị của cái cây đó lên đến tiền tỷ thì tôi có quyền yêu cầu cơ quan định giá tài sản vào cuộc để xác minh anh đã kê khai trung thực hay không? Khi bị kết luận kê khai tài sản không trung thực thì hậu quả khá là lớn.

-Một điểm mới rất đáng chú ý tại Nghị định 130/2020 là sẽ lựa chọn xác minh ngẫu nhiên về tài sản, thu nhập theo 2 hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Ông có thể nói rõ thêm về tiêu chí thực hiện việc này?

+Ngoài việc xác minh có điều kiện thì cơ quan chức năng còn xác minh ngẫu nhiên, xác minh không vì lý do gì cả. Đây là một điểm mới để người kê khai tài sản hiểu rằng lúc nào cũng có thể bị xác minh.

Gọi là lựa chọn xác minh tài sản ngẫu nhiên nhưng không phải theo kiểu quay xổ số mà có định hướng, có trọng tâm, trọng điểm hướng đến nhóm đối tượng cụ thể. Ví dụ việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hằng năm dựa trên tình hình tham nhũng hoặc có thể là ngành, lĩnh vực nào tham nhũng nhiều thì bị đưa vào diện xác minh...

Giả sử đối với Thanh tra Chính phủ được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Trong số đơn vị này thì lựa chọn 10% số người; tức là nếu có 50 người thì xác minh ngẫu nhiên 5 người và trong 5 người này phải có 1 trường hợp là lãnh đạo hoặc cấp phó.

Việc lựa chọn này có 2 hình thức là bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể để công tác này được tiến hành chặt chẽ, công khai, công bằng và đúng quy trình.

Rất khó để khẳng định là không có việc "sợ đụng chạm", "nể nang"

- Ông có lo ngại sẽ xảy ra chuyện "sợ đụng chạm", "nể nang" vì quan hệ cấp trên, cấp dưới khi xác minh tài sản, thu nhập của người có dấu hiệu bất thường không?

+ Rất khó để khẳng định là không có việc sợ đụng chạm, nể nang. Nguy cơ này luôn luôn có thể xảy ra. Nhưng với quy định kiểm soát tài sản, thu nhập chặt chẽ, công khai, minh bạch thì nguy cơ này sẽ thấp hơn hoặc giảm đi.

Luật cũng quy định đối tượng nào bị cơ quan nào có thẩm quyền xác minh, từ đó có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Nếu cơ quan kiểm soát tài sản bỏ qua trường hợp có dấu hiệu bất thường, làm không đúng quy định thì khi bị phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm.

Hậu quả của việc kê khai không trung thực hoặc có kê khai đầy đủ nhưng giải thích sự gia tăng tài sản không thuyết phục sẽ chịu hình thức kỷ luật ít nhất là cảnh cáo, gạt ra khỏi danh sách ứng cử hoặc đưa ra khỏi quy hoạch lãnh đạo.

Việc giải trình không thuyết phục giống như những trường hợp nói "có tiền mua ô tô là do chạy xe ôm, bán chổi đót", kiểu "trêu ngươi thiên hạ" thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc kết luận.

Tuy nhiên, đụng tới tài sản là đụng đến quyền tài sản, quyền cá nhân, quyền con người nên không thể tùy tiện. Muốn ra quyết định xác minh thì phải có một số căn cứ xác đáng, rõ ràng. Nếu có tố cáo thì phải có căn cứ thì mới tiến hành xác minh tài sản.

Bị kết luận kê khai tài sản không trung thực thì hậu quả khá là lớn - 3

"Việc giải trình không thuyết phục giống như những trường hợp nói "có tiền mua ô tô là do chạy xe ôm, bán chổi đót", kiểu "trêu ngươi thiên hạ" thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc kết luận"- TS. Đinh Văn Minh.

-Ông có kỳ vọng những điểm mới, chặt chẽ trong Nghị định 130 sẽ khắc phục được các vấn đề mà dư luận vẫn bức xúc, thắc mắc, hoài nghi trong thời gian qua xung quanh việc kê khai tài sản?

+Những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 được ra đời trên cơ sở tổng kết tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Việc gì làm tốt rồi thì tiếp tục kế thừa, điều nào làm chưa tốt thì tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điểm mới trong nghị định này nhằm khắc phục các hạn chế trước kia, tạo nhiều thuận lợi, trao "công cụ" để kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Khi luật đi vào cuộc sống, còn điều gì hạn chế thì tiếp tục điều chỉnh cho hoàn thiện hơn.

Mọi việc sẽ được làm dần dần và có sự kết hợp của các cơ quan quản lý để từng bước kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức tốt hơn. Trong từng giai đoạn còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực quản lý để đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn.

Khi các quy định đi vào cuộc sống thì chúng ta mới thấy hết những điểm phù hợp và chưa phù hợp để tiếp tục điều chỉnh

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng việc kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ nằm trong biện pháp được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 130 mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Nếu chỉ quản lý tài sản của cán bộ, công chức thì rất là bấp bênh vì tài sản có thể nhờ người khác đứng tên, người ta chuyển dịch tài sản cho nhau, dù mình có cố gắng ngăn chặn cũng rất khó khăn. Thế nên phải tiến tới kiểm soát tài sản trên bình diện toàn xã hôi.

Hơn nữa phải tính tới câu chuyện quản lý chặt chẽ việc chi tiêu tiền mặt vì nếu cứ như hiện nay thì rất khó kiểm soát được dòng tiền. Tôi nghĩ rằng mỗi giải pháp đưa ra trong từng giai đoạn phụ thuộc vào trình độ, năng lực quản lý và những yếu tố chủ quan, khách quan khác thì mới phù hợp và có hiệu quả.

Có thể sắp tới sẽ có những hội nghị để phổ biến, quán triệt các quy định về kiểm soát tài sản thu nhập và có hướng dẫn để việc thực hiện được thống nhất và có hiệu quả cao nhất.

-Xin cảm ơn ông!