Bí ẩn về hàng trăm bia đá cổ còn sót lại

(Dân trí) - Những bia đá còn sót lại tại một số địa phương ở miền Tây Thanh Hóa được người dân xem là dấu tích của những ngôi mộ cổ. Có những nhận định cho rằng, đây là mộ của người Tày Thái và cũng có ý kiến khác là mộ của nghĩa quân Lam Sơn…

Bí ẩn hàng trăm bia đá cổ

Khu mộ cổ bị bới tung để tìm vàng…

Xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước nằm ven theo quốc lộ 217, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng hơn 100km về phía Tây. Nơi đây theo người dân địa phương cho biết còn tồn tại nhiều bia đá của những ngôi mộ cổ. Theo ông Hà Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước: “Khu mộ cổ đã bị người dân phá, lấn chiếm làm nương rẫy hết rồi, giờ không còn mấy nữa”.

Khu mộ cổ nằm trong vườn nhà ông Hà Văn Khâm
Khu mộ cổ nằm trong vườn nhà ông Hà Văn Khâm

Ông Hà Văn Minh, cán bộ văn hóa xã Kỳ Tân thông tin thêm: “Hiện giờ khu mộ cổ không còn là mộ cổ nữa... Dấu tích thì chỉ còn bia và các vỉa than”. Cũng theo ông Minh, trên địa bàn bản Bo Thượng có khoảng 200 ngôi mộ nằm rải rác trên diện tích khoảng 3 - 4 héc ta.

Theo phản ánh thì ở những khu vực mộ cổ, có người đã từng phát hiện vàng, bạc và các đồ sành sứ... Đã có người phát hiện khuyên tai bằng bạc; còn bạc nén có mộ có, có mộ không. Ngoài ra, người dân còn phát hiện bát, chum bằng sành sứ, ấm chén cổ. Đặc biệt, vòng tay được tìm thấy nhiều, có khi phát hiện cả tạ. Ông Minh nhận định, những vật được tìm thấy ít ra cũng có niên đại vào khoảng thế kỷ 13. Từ những năm 1985 trở về trước, người dân đập rất nhiều, giờ thì không còn nữa.

Những bia đá còn sót lại
Những bia đá còn sót lại

Theo lời chỉ dẫn của lãnh đạo xã Kỳ Tân, chúng tôi tìm vào làng Bo Thượng - nơi được cho là đang tồn tại nhiều dấu tích của những ngôi mộ cổ. Khu vườn của gia đình ông Hà Văn Khâm (70 tuổi) hiện còn có những bia đá của những mộ cổ và cả dấu vết đào bới từ nhiều năm về trước. Khi nghe hỏi về những ngôi mộ cổ, ánh mắt ông dò xét, sau một hồi trò chuyện, ông Khâm bắt đầu cởi mở hơn. “Tôi lớn lên nghe nói có trống đồng, nhưng chưa biết nằm ở chỗ nào. Thời gian trước, có nhiều người đến dò nhưng không dò đến nơi”, ông Khâm cho biết.

Nói đoạn, ông dẫn chúng tôi ra phía sau khu vườn của gia đình mình, qua quan sát thì hiện nay, trong vườn của gia đình ông chỉ còn sót lại rất ít những bia đá nằm rải rác trong các bụi cây. Khi chúng tôi thắc mắc, ông Khâm giải thích, đây không phải là đá tự nhiên mà do con người cắm xuống để đánh dấu ngôi mộ. Sở dĩ những ngôi mộ hiện nay không còn nguyên vẹn nữa là do có thông tin có cổ vật nên nhiều người đã thi nhau vào đào bới để tìm kiếm. Theo ông Khâm thì đã có người tìm thấy vàng, bạc...


Dấu vết của việc đào bới mộ để tìm cổ vật hàng chục năm vẫn còn

Dấu vết của việc đào bới mộ để tìm cổ vật hàng chục năm vẫn còn

Như để chứng minh cho những gì mình nói, ông vào nhà lục lọi một lát mang ra chiếc nỏ của người xưa dùng hút thuốc phiện và một chiếc quai sanh bằng đồng do ông tìm thấy trong vườn nhà mình. Ngoài ra, gia đình ông cũng phát hiện một số đồ vật bằng sành, sứ…

Để rõ hơn về thực hư khu mộ cổ, chúng tôi tìm gặp ông Hà Nam Ninh, ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước. Ông Ninh là người nhiều năm qua đã dày công nghiên cứu về vùng đất và văn hóa Thái nơi đây. Theo ông Ninh, dấu hiệu nhận diện của những ngôi mộ của người xưa là có bia đá chôn giấu, không cao, dẹt và sắc nhọn; trên mặt đất đổ than đen, nhà mồ thưng xung quanh; có một vò để ở phía chân, ý để đựng nước rửa chân. Ở xã Kỳ Tân và nhiều nơi khác, lớp người Thái hiện nay đang sống cũng không biết mộ có từ khi nào và chủ nhân là ai. Từ thời nhà Trần, khi người Thái di cư từ Lào Cai (Mường Khà) vào đến đây đã có mộ cổ rồi. Người Thái khai phá ruộng nương.

Tuy nhiên, từ những năm 1990 rộ lên tình trạng đào bới khu mộ để tìm cổ vật. Theo những gì ông Ninh nghiên cứu tìm hiểu, người Thái có tập quán khi khâm liệm bỏ vòng bạc vào tay, mặt nạ bằng bạc có thể làm ốp lên trán. Vò sành sứ cũng được tìm thấy, đây được xem là đồ dùng để rửa chân. Đồ dùng của người sống như thế nào khi chết người ta cho mang theo đặt lên nhà mồ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều sách chữ Thái bị thất lạc.

Bia đá bị đào lên nằm trên mặt đất
Bia đá bị đào lên nằm trên mặt đất
Những hiện vật ông Khâm phát hiện trong khu vườn nhà mình
Những hiện vật ông Khâm phát hiện trong khu vườn nhà mình

Thường trước khi khâm liệm, nhà giàu lấy bạc nén gói vào vải đặt dưới đầu. Đá làm mồ chôn lấy ở suối, đá xanh, cứng, chắc ở Kỳ Tân có và có những nơi phải lên Quan Hóa lấy xuôi bè theo sông xuống. Vấn đề quan trọng trong việc chôn bia đá là để đánh dấu, qua đó tìm hiểu được nguồn gốc. Đá chôn cả ở phía đầu, chân và xung quanh, trong đó bia ở đầu cao hơn tất cả, vò sành để ở phía chân. Con cháu hết đời này đến đời khác chỉ căn cứ vào đá chôn để tìm lại nguồn gốc tổ tiên. Có thể những ngôi mộ này xuất phát từ người Tày Thái cổ. Điều đó cũng có cơ sở là từ khi người Thái vào khai phá vùng đất này đã thấy những ngôi mộ ở đây rồi...

Mộ của nghĩa quân Lam Sơn?

Tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân cũng đang tồn tại khu bia đá thô sơ mà người dân địa phương gọi là khu mộ cổ. Những điều kỳ bí về khu mộ cổ này chưa có lời giải. Cũng như ở xã Kỳ Tân, những năm trước đây, nhiều ngôi mộ bị xâm hại, mất dần dấu tích. Khu mộ cổ nằm ở làng Mé, thôn Xuân Thành. Khu vực này nằm trên một triền đồi thoai thoải, càng đi sâu vào trong rừng luồng, những phiến đá nằm rải rác theo hình thức giống khu mộ tại xã Kỳ Tân được cho là của những ngôi mộ cổ dần hiện ra. Càng tiến sâu vào trong, một “rừng đá” hiện ra với những bia đá có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Những ngôi mộ cổ tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân
Những ngôi mộ cổ tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân

Đầu và cuối mỗi ngôi mộ được chôn một phiến đá dựng đứng đã qua ghè đẽo thô sơ. Chiều dài từng ngôi mộ khoảng từ 2 đến 2,5 m. Các phiến đá có độ dày - mỏng, cao - thấp khác nhau.

Ông Lê Đức Thắng (59 tuổi, thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng) cho biết, ngày còn nhỏ đi chăn trâu ở đây ông đã thấy có nhiều phiến đá cao ngang đầu người lớn, rộng cả mét. Một số phiến đá to còn khắc cả chữ Hán, nhưng nay không còn.

Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào làm rõ đây có phải là những ngôi mộ cổ? Chủ nhân của những ngôi mộ này là ai? Niên đại thuộc thời kỳ nào? Theo tư liệu từ xã Ngọc Phụng thì làng Xuân Thành mới di cư từ huyện Ngọc Lặc về định cư ở đây vào những năm 50 của thế kỉ trước, ban đầu chỉ có 16 hộ dân. Người dân trong làng khẳng định, lớn lên đã thấy khu mộ; những người đời trước cũng nói lại khi đến lập làng đã có rừng mộ như ngày nay.

Vào cuối năm 2013, chúng tôi may mắn có dịp cùng các nhà sử học về xã Ngọc Phụng để điền dã thực tế trong dịp diễn ra “Hội thảo khoa học về địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai”. Một số nhà sử học cũng nhận định đây là khu mộ của nghĩa quân Lam Sơn thời kỳ rút về cố thủ ở miền Tây Thanh Hóa, song chủ đề chính lúc này là địa điểm diễn ra hội thề giữa chủ tướng Lê Lợi và 18 anh hùng hào kiệt nên vấn đề chủ nhân của khu mộ cổ này tạm gác lại.

Tại xã Ngọc Phụng cũng có hàng trăn bia đá được cho là của những ngôi mộ cổ
Tại xã Ngọc Phụng cũng có hàng trăn bia đá được cho là của những ngôi mộ cổ

Còn theo nhận định của người dân địa phương, đây là những ngôi mộ của nghĩa quân Lam Sơn. Điều này có cơ sở bởi cách đó hơn nửa cây số là khu đồi Bái Tranh - được xác định chính là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Tại xã Ngọc Phụng hiện có một địa danh là làng Phụng Dưỡng, theo tương truyền đây chính là nơi điều trị, dưỡng thương cho những người lính bị thương trong khởi nghĩa Lam Sơn nên mới có tên như vậy.

Cũng như những bia đá được phát hiện tại làng Bo Thượng, xã Kỳ Tân thì kích thước các bia ở đầu và cuối của từng ngôi mộ cũng khác nhau. Theo lý giải của nhiều người, có khả năng những vị tướng càng lớn thì phiến đá càng to, mộ càng rộng, còn mộ lính tráng thì ngược lại.

Chính quyền xã Ngọc Phụng mong muốn các ngành, các cấp cùng các nhà sử học, khảo cổ học sớm có nghiên cứu cụ thể, đưa ra kết luận chính xác để địa phương có cơ sở lập quy hoạch thành khu di tích, từ đó có phương án bảo vệ.

Duy Tuyên