1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Bệnh" sợ trách nhiệm âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ

Quang Phong

(Dân trí) - Theo đại biểu Hoàng Anh Công, căn "bệnh sợ trách nhiệm" đã xuất hiện từ lâu, âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước.

Chiều 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và báo cáo về công tác phòng, chống dịch, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) dành thời gian nói về một "dịch bệnh" khác đã xuất hiện từ lâu, âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người, gây nguy cơ cho sự phát triển đất nước. Theo ông Công, đó là " bệnh sợ trách nhiệm ".

Đại biểu Hoàng Anh Công băn khoăn: "Vì nguyên nhân gì mà nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân".

Bệnh sợ trách nhiệm âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ - 1

Đại biểu Hoàng Anh Công nêu lo ngại về "căn bệnh sợ trách nhiệm" đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu đoàn Thái Nguyên nhận thấy nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức. Trong đợt phòng chống dịch vừa qua, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm thiết bị, vật tư y tế do sợ bị sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính.

Đặc biệt, dù Chính phủ đã ban hành quy định về thích ứng an toàn nhưng có địa phương vẫn áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng biện pháp kỹ thuật hạn chế giao thương, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0. Bởi theo đại biểu, các địa phương sợ rằng nếu để dịch bệnh bùng phát thì ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật.

Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Anh Công nhận định "bệnh sợ trách nhiệm" có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi công vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám quyết định.

Theo đại biểu, tác động tiêu cực của hiện tượng trên khiến "một bộ phận không nhỏ" cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Anh Công cho biết, tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Theo đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp…

22.000 lon sữa cứu trợ nằm kho gần một tháng lỗi tại ai?

Thảo luận tại đầu cầu TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình, chứ không phải "khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm".

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc", nhưng theo nữ đại biểu, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Trong khi, địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp "nước sôi, lửa bỏng" như phòng chống dịch.

Bà đưa ra ví dụ cụ thể, có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP HCM. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục Thú y.

Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, còn Cục an toàn Thực phẩm nói "đề nghị TP HCM hỏi Chính phủ". Nhưng TP gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn Thực phẩm trả lời. "Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?", bà Châu nêu.

"Cách làm của Cục An toàn Thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc. Nếu như không có gì thay đổi đánh giá hàng năm thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm tròn chức trách nhiệm vụ. Còn ở tại TPHCM lô hàng cứu trợ về gần một tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?", nữ đại biểu đoàn TPHCM nói.

Đại biểu mong Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, "không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy", có lợi tốt nhất cho người dân.

"Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này", bà Châu nhấn mạnh.