1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bị sỏi mật nhưng được mổ... dạ dày:

Bệnh nhân Ramio đang trong tình trạng nguy kịch

(Dân trí) - Sáng nay 4/5, với tư cách người nhà của bệnh nhân, chúng tôi đã vào được phòng chăm sóc tích cực, nơi đang điều trị cho ông Jean Ramio - người được bệnh viện Việt - Pháp <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/115036.vip"> chẩn đoán sỏi mật nhưng lại bị mổ dạ dày</a>. Ông Ramio nằm bất động và hoàn toàn không phản ứng khi được lay gọi.

Sau mổ 1 tháng vết thương vẫn chảy nước

 

Phòng chăm sóc tích cực, nơi ông Jean Ramio nằm điều trị có giá 850USD/ngày. Khắp người ông chằng chịt ống dẫn và các thiết bị hỗ trợ. Bà Phạm Thị Hồng Phương vợ ông nhiều lần lay gọi nhưng bệnh nhân không hề có phản ứng gì.

 

 

Bệnh nhân Ramio đang trong tình trạng nguy kịch - 1
 

Vết mổ của ông Ramio chưa
liền miệng sau 1 tháng phẫu
thuật. (Ảnh: Đức Thảo)

Chờ cho nhân viên y tế ra khỏi phòng, bà Phương từ từ lật tấm băng gạc che vết mổ của ông Ramio. Vết mổ cách đây tròn một tháng giờ là một vết thương hở ngoác miệng. Dịch vàng đùn ra qua hai hốc vết thương rộng đến hơn 3cm, được khâu dúm ở giữa bằng một mũi chỉ. Vết thương loét ra như hình số 8.

 

Khắp cơ thể bệnh nhân đều phù thũng, tay, chân và lưng có nhiều vết lở loét - dấu hiệu của tình trạng bất động lâu ngày. Bệnh nhân hoàn toàn hôn mê. Việc ăn uống, bài tiết đều phải có nhân viên chăm sóc thực hiện qua sonde. Người nhà bệnh nhân cho biết, tình trạng này đã kéo dài từ khi ông Ramio nhập viện ngày 2/4 đến nay.

 

Trước đó, trong cuộc trao đổi cùng phóng viên Dân trí, ông Trương Kiều Nghị, cán bộ phụ trách Dịch vụ khách hàng, khẳng định: “Tình trạng vết mổ của ông Ramio hoàn toàn không nhiễm trùng, vết thương khô sau khi cắt chỉ”. Ông Nghị hoàn toàn phủ nhận việc vết mổ chảy nước, há miệng như hình số 8.

 

Theo các tài liệu gia đình bệnh nhân cung cấp, trong quá trình điều trị, ông Ramio đã từng được đưa tới bệnh viện Tràng An và bệnh viện Hữu Nghị. Nhưng cả hai bệnh viện này đều không nhận và lại trả về bệnh viện Việt - Pháp. Các giáo sư, bác sĩ ở hai bệnh viện trên đều “tá hỏa” vì tình trạng nhiễm trùng trầm trọng của vết mổ.

 

Bị sỏi mật, mổ dạ dày!

 

Liên quan đến những rắc rối tại bệnh viện Việt - Pháp thì đây không phải là lần đầu tiên người nhà bệnh nhân kiện bệnh viện:

 

- Đầu năm 2006, chị Bùi Thị Bích Liên phát hiện ra khối u buồng trứng trái của mình vẫn còn sau khi được bệnh viện Việt - Pháp phẫu thuật cắt bỏ 2 năm trước. Trong khi buồng trứng bên phải lại biến mất. Phía bệnh viện lý giải vụ việc này chỉ là một sai sót về mặt hành chính và đồng ý cắt bỏ miễn phí nốt buồng trứng trái cho chị!

 

- Tháng 8/2004, TAND TP Hà Nội đã xử cho chị Nguyễn Ngọc Quỳnh thắng kiện bệnh viện Việt - Pháp trong vụ việc làm sai hợp đồng dịch vụ thai sản trọn gói giữa chị và bệnh viện dẫn tới cái chết của 2 cháu bé song sinh trong bụng chị.

Ca phẫu thuật một tháng trước của ông Ramio cũng là một bất ngờ với nhiều người trong gia đình. 21h ngày 2/4, ông Jean Ramio được đưa vào bệnh viện Việt - Pháp cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi khám và xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị sỏi mật (2,4cm), chờ sáng hôm sau mổ. Lúc này đã hơn 2h sáng, các bác sĩ đã khuyên bà Phương về nhà vì người nhà không được ở qua đêm trong bệnh viện.

 

8h30 sáng 3/4, gia đình bệnh nhân quay lại viện thì cuộc phẫu thuật đang diễn ra. Đến quá trưa bà Phương mới ngã ngửa người khi được thông báo, bệnh viện đã làm phẫu thuật “vá” bục dạ dày cho chồng mình. Kinh phí của ca phẫu thuật là 3.600USD. Bệnh nhân đã được đưa thẳng về phòng chăm sóc với giá 850USD/ngày.

 

Biện minh cho ca phẫu thuật trái khoáy này, đại diện bệnh viện Viêt - Pháp giải thích: trước khi vào phòng mổ ông Ramio rất tỉnh táo và đã ký vào hợp đồng chịu trách nhiệm với bệnh viện. Khi đưa bệnh nhân lên bàn mổ, sau khi gây mê và nội soi mới phát hiện thấy ông Ramio bị thủng dạ dày. Trong trường hợp này, việc phẫu thuật để “vá” dạ dày cấp bách hơn nên các bác sỹ đã tiến hành trước.

 

Điều nghịch lý là, trước đó một tháng ông Ramio đã từng đến bệnh viện Việt - Pháp làm các xét nghiệm và nội soi dạ dày nhưng không phát hiện thấy điều bất thường. Khi bệnh nhân đau bụng dữ dội được khám cấp cứu cũng chỉ phát hiện có sỏi mật và mà không hề phát hiện ra tình trạng bất thường của dạ dày. Chỉ đến khi đưa ông Ramio lên bàn mổ các bác sĩ mới biết bục dạ dày và mổ “chữa cháy”.

 

Ông Trương Kiều Nghị cho biết, khi đã có sự đồng ý chịu trách nhiệm của bệnh nhân thì bệnh viện có quyền tiến hành phẫu thuật mà không cần lấy ý kiến của thân nhân. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Bách (bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Ramio) phân tích: theo “Quy chế bệnh viện” ban hành ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế thì trước khi phẫu thuật, bác sỹ điều trị có trách nhiệm “giải thích cho người bệnh VÀ gia đình người bệnh biết và ký vào giấy cam đoan xin phẫu thuật”. Luật sư nhấn mạnh, từ VÀ ở đây có nghĩa là cả người bệnh và gia đình bệnh nhân phải được biết chứ không chỉ riêng một trong hai.

Hơn nữa, vợ của bệnh nhân cũng có mặt tại bệnh viện sáng hôm đó, tại sao bệnh viện vẫn tiến hành phẫu thuật mà không hề hỏi ý kiến bà Phương?

 

Theo đơn trình bày của bà Phương, trong 12 ngày từ khi ông Ramio nhập viện, gia đình đã phải thanh toán cho bệnh viện Việt - Pháp tổng số tiền là 86 triệu đồng. Lần nhập viện thứ hai sau khi bệnh viện Tràng An trả về gia đình bà lại phải thanh toán thêm một lần kinh phí nữa, tổng cộng gần 100 triệu đồng. Chưa hết, số tiền bệnh viện Việt - Pháp điều trị cho ông Ramio từ khi nhập viện lần thứ ba (sau khi bệnh viện Hữu Nghị không dám nhận điều trị) đến nay đã lên đến hơn 10.000USD nhưng gia đình vẫn chưa thể thanh toán.

 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ ông đã liên hệ làm việc nhưng bệnh viện Việt - Pháp đã từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án của ông Ramio.

 

Sáng nay, trước rất nhiều câu hỏi của phóng viên Dân trí về tình hình sức khỏe của ông Ramio, đại diện bệnh viện Việt - Pháp cũng từ chối cung cấp vì “không đủ thẩm quyền và chuyên môn”.


Phương Thảo - Trần Đức