Bên trong khu rừng nguyên sinh duy nhất trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
(Dân trí) - Những cánh rừng ngập nước trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã trở thành "lá phổi xanh", bức bình phong che chắn cho dân làng trước những cơn bão lũ, giúp bảo vệ mùa màng, nguồn lợi thủy sản.
Người nặng lòng với rừng nguyên sinh Rú Chá
Giữa khu rừng ngập nước Rú Chá ở làng Thuận Hòa (xã Hương Phong, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (79 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng (77 tuổi) đã tồn tại gần 40 năm. Họ gắn bó gần nửa đời với khu rừng nguyên sinh duy nhất trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Chúng tôi có dịp trở lại Rú Chá vào những ngày nắng nóng gay gắt nhất xứ Huế, thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Đáp. Ngôi nhà đơn sơ không điện, không tivi, không máy quạt, chỉ có chiếc radio cassette để nghe tin tức thời sự và dự báo thời tiết. Quanh nhà là 2 hồ nuôi tôm, cua, cá, phía sau có khu vườn nuôi gà, vịt.
Ông Đáp cho biết, từ khi còn nhỏ đã nghe cha mẹ kể nhiều câu chuyện về Rú Chá, khu rừng nguyên sinh đã có từ lâu đời, là bức bình phong bảo vệ dân làng trong mùa mưa bão. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Rú Chá trở thành nơi che chở cho cán bộ hoạt động cách mạng.
Năm 1986, khi một số người dân vào Rú Chá đốn cây làm củi, khiến diện tích rừng suy giảm, ông Nguyễn Ngọc Đáp đã tự nguyện xin làm bảo vệ khu rừng ngập nước và được đồng ý. Ông dựng căn chòi nhỏ giữa rừng để thuận tiện cho công việc. Bà Hồng cũng theo chồng vào rừng, họ trở thành gia đình duy nhất bảo vệ Rú Chá. Dân làng Thuận Hòa góp lúa mỗi năm để trả công bảo vệ rừng cho vợ chồng ông Đáp.
Sau này, khu rừng ngập nước nguyên sinh bên phá Tam Giang được giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Vợ chồng ông Đáp tiếp tục xin ở lại bảo vệ rừng mà không màng chuyện trả công. Làng cũng giao khoảng đất trống cùng hồ nước trong Rú Chá để họ chăn nuôi gà, vịt, tôm, cua, cá, lấy kế sinh nhai.
Hưởng lợi từ rừng ngập nước
Anh Phan Văn Triệt (trú thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành phố Huế) cũng đang hưởng lợi từ khu rừng ngập nước nguyên sinh do cha ông để lại. Như nhiều hộ dân khác ở Thuận Hòa, gia đình anh Triệt có diện tích nuôi thủy sản quanh khu rừng này.
Theo anh Triệt, nhờ có rừng che chắn mà việc nuôi trồng thủy hải sản của người dân địa phương gặp nhiều thuận lợi, ao hồ ít bị hư hại bởi bão lụt. Khu rừng được bảo quản tốt cũng tạo điều kiện để tôm, cua và các loài cá đặc sản như: nâu, dìa, ong, bống… sinh sản, phát triển, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập.
Anh Triệt còn đầu tư phát triển dịch vụ chèo Súp tham quan khu rừng. "Khách sử dụng dịch vụ quanh năm, mùa nào cũng có người về với Rú Chá. Có lẽ họ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp huyền bí của khu rừng nguyên sinh và không khí trong lành, mát mẻ nơi đây", anh Triệt chia sẻ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, rừng Rú Chá nguyên sinh rộng 2,88ha có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng này còn là "bức tường xanh" giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, thông qua các chương trình, dự án, trên địa bàn xã Hương Phong có hơn 20ha rừng ngập nước thuộc khu vực Rú Chá được trồng mới, chủ yếu là cây bần chua và dừa nước. Toàn bộ diện tích này do UBND xã quản lý, sử dụng đảm bảo theo quy định, không có tình trạng lấn chiếm, chồng lấn, sử dụng sai mục đích.
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được bổ sung trồng mới thêm 22ha rừng ngập nước thuộc dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" tại xã Hương Phong.
Trong tương lai, xã Hương Phong sẽ phát triển hơn 200ha rừng ngập nước, hướng đến hình thành hệ sinh thái rừng ngập nước tập trung lớn nhất miền Trung. Qua đó, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư, khoảng 2.783 hộ dân.
Để màu xanh phủ kín Tam Giang
Từ giá trị thiết thực mà Rú Chá mang lại, nhiều dự án bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai.
Năm 2015 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trồng được hơn 342ha rừng ngập nước tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế, trải dài theo hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Những loại cây như: đước, vẹt, bần chua, sú, mắm, dừa nước… được trồng tại các khu bảo vệ thủy sản, bán ngập nước nhanh chóng thích nghi, phát triển, tạo thành các khu rừng bảo vệ đầm phá, vùng dân cư.
Xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) là nơi đầu tiên được triển khai trồng các loại cây dừa nước, bần với diện tích khoảng 45ha, tập trung ở khu vực đầm phá thuộc các thôn Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, Hà Công,... Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ người dân trồng rừng phân tán dọc chân đập, bờ ao, hồ nuôi trồng thủy sản.
Sau gần 10 năm, diện tích rừng ngập mặn đã trở thành nơi trú ngụ, bãi đẻ, sinh sôi cho các loài thủy sản. Một số loài cá, tôm có giá trị kinh tế một thời cạn kiệt, thậm chí biến mất như: bống thệ, kình, mú, tôm rảo, tôm đất… nay đã xuất hiện trở lại.
Lão ngư Nguyễn Thiệp (thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi, Quảng Điền) tự hào khi những cánh rừng ngập nước đã hồi sinh, bảo vệ các làng chài và nguồn lợi thủy sản trên phá. Có hơn 600 hộ dân ở 3 làng chài Cư Lạc, Ngư Mỹ Thạnh, Hà Công trực tiếp hưởng lợi.
Ông Thiệp cho biết, trước đây sau mỗi mùa mưa lũ, nhiều hộ dân vùng ven đầm phá xã Quảng Lợi phải mất chi phí hàng chục triệu đồng sửa chữa đê bao, ao hồ. Từ khi có rừng ngập nước, nơi đây đã trở thành chỗ neo đậu, trú tránh an toàn cho hàng trăm chiếc thuyền, che chở ao, hồ, khu dân cư trước sóng, gió. Rừng còn giúp ngăn các dòng rác thải chảy vào diện tích ruộng lúa nằm sâu bên trong làng sau những đợt lũ lụt.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền), khẳng định rừng ngập nước trên phá Tam Giang thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, mùa màng, tạo cơ hội phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trước đây, một số người dân lo sợ việc phát triển rừng ngập nước sẽ thu hẹp diện tích khai thác, đánh bắt thủy sản nên ra sức phản đối. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích mà rừng mang lại, từ đó bảo vệ được diện tích đã trồng.
Bên cạnh việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nhiều địa phương đã mạnh dạn triển khai các mô hình kinh doanh du lịch, đưa du khách tham quan rừng ngập nước trên phá Tam Giang, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh hiện có 347,42ha rừng ngập nước, trong đó diện tích rừng tự nhiên 2,88ha và diện tích rừng trồng 344,54ha.
Toàn bộ diện tích này được chủ các dự án, chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ, chăm sóc một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế có gần 3.000ha rừng trồng và hơn 418ha rừng ven biển tự nhiên.
Những diện tích rừng nói trên đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ, giúp bảo vệ bờ biển, ven phá, giảm thiểu những tác hại do sóng biển gây ra; hấp thụ và lưu giữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính.