1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Bến thuyền không phép phục vụ khách du lịch trong lòng hồ thủy lợi

(Dân trí) - Từ khoảng hơn nửa năm nay, đảo chè Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An) trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách đổ về. Nghề lái thuyền chở khách tham quan đảo chè đã hình thành nhưng đến nay, khu vực này chưa được phép mở bến đò, người lái thuyền chưa được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Các đảo chè trong hồ thủy lợi Cầu Cau (xã Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An) trở thành điểm thu hút khách du lịch trong hơn nửa năm qua.
Các đảo chè trong hồ thủy lợi Cầu Cau (xã Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An) trở thành điểm thu hút khách du lịch trong hơn nửa năm qua.

Từ kỳ nghỉ lễ 30/4/2016 tới nay, các đảo chè tại xã Thanh An (nằm trong hồ thủy lợi Cầu Cau), huyện Thanh Chương, Nghệ An trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Từ khi hoạt động du lịch phát triển, các hoạt động dịch vụ cũng “ăn theo”, đặc biệt là dịch vụ đưa khách tham quan các đảo chè bằng thuyền.

“Ngày bình thường thì cũng vài ba trăm khách, còn thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ thì khách phải lên tới hàng nghìn người”, một chủ thuyền cho biết. Với mức giá 30 nghìn đồng/lượt (trẻ em từ trên 6 tuổi đến dưới 15 tuổi là 15 nghìn đồng/lượt), khách sẽ được chở đi tham quan các đảo chè, dừng chân chụp ảnh lưu niệm. Lái thuyền khi đưa khách đến điểm cần đến sẽ quay thuyền lại, đón lượt khách tiếp theo. Tính ra, với ngày bình thường, sau khi trừ chi phí, mỗi chủ thuyền cũng đút túi trên dưới 1 triệu đồng, ngày lễ có thể kiếm 5-6 triệu đồng/ngày tiền chở khách tham quan đảo chè.

Cách duy nhất để khám phá đảo chè là đi thuyền trong hồ thủy lợi Cầu Cau.
Cách duy nhất để khám phá đảo chè là đi thuyền trong hồ thủy lợi Cầu Cau.

Lượng khách đến đảo chè đông, đồng nghĩa với số thuyền cũng phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện khu vực hồ thủy lợi Cầu Cau có 20 chiếc thuyền hoạt động vận tải hành khách. “Trước thì dùng thuyền mái chèo, chở được 5-6 khách nhưng giờ phải đóng thuyền to. Đóng mới loại thuyền chở 15 khách có giá trên dưới 40 triệu đồng/thuyền. Loại chở 25 khách thì phải loại thuyền 70 triệu đồng, đầu tư thêm hệ thống âm thanh, màn hình hát karaoke nữa cũng xấp xỉ 100 triệu đồng”, anh Lâm – một chủ thuyền cho hay.

Mặc dù hoạt động vận tải hành khách đã có từ hơn nửa năm nay nhưng đến ngày 5/1, UBND xã Thanh An mới tổ chức cho các chủ thuyền ký cam kết bảo vệ môi trường, trật tự an toàn, an ninh khi chở du khách tham quan đảo chè. Lúc này, các phương tiện vận tải đường thủy nội địa mới được đăng kiểm, chủ thuyền, lái thuyền mới được học để cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Hồ thủy lợi Cầu Cau (Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An) bị lấn chiếm để mở bến thuyền, làm bãi nghỉ chân, đỗ xe phục vụ khách du lịch.
Hồ thủy lợi Cầu Cau (Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An) bị lấn chiếm để mở bến thuyền, làm bãi nghỉ chân, đỗ xe phục vụ khách du lịch.

“Mỗi người nộp hơn 2 triệu, học trong vòng mấy ngày rồi thi nhưng chưa được cấp bằng”, anh Lâm thật thà cho biết. Bờ hồ thủy lợi Cầu Cau cũng được các chủ thuyền đổ đất để mở bến thuyền, làm sân bãi đậu xe và bán một số sản phẩm phục vụ du khách.

Ngày 28/12/2016 và ngày 3/1/2017, thanh tra Sở GTVT Nghệ An tổ chức kiểm tra hoạt động vận tải ở hồ thủy lợi Cầu Cau và phát hiện bến thủy tại đây chưa được cấp phép hoạt động. Thời điểm kiểm tra, 17 phương tiện đang neo đậu có dấu hiệu lén lút hoạt động chở khách tham quan đảo chè. Ngày 5/1/2017, Sở GTVT tỉnh Nghệ An có văn bản số 29/SGTVT-TTr về việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại hồ thủy lợi Cầu Cau. Tại công văn này, Sở GTVT Nghệ An đề nghị kiên quyết đình chỉ hoạt động bến thủy tự phát chưa được cấp phép và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, sáng ngày 12/1, chúng tôi có mặt tại khu vực đảo chè thì hoạt động vận tải hành khách vẫn diễn ra bình thường.

Các thuyền chở khách vẫn hoạt động bình thường trong khu vực hồ thủy lợi Cầu Cau dù đã có lệnh đình chỉ của các cơ quan chức năng
Các thuyền chở khách vẫn hoạt động bình thường trong khu vực hồ thủy lợi Cầu Cau dù đã có lệnh đình chỉ của các cơ quan chức năng

Theo ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An, sau khi huyện Thanh Chương có văn bản chỉ đạo đình chỉ hoạt động vận tải hành khách bằng thuyền trên hồ thủy lợi Cầu Cau, xã đã gặp các hộ dân nhắc nhở và tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường, trật tự an toàn, an ninh khi chở du khách tham quan đảo chè.

“Ngoài vận tải hành khách, người dân và các công nhân vẫn chạy thuyền vào các đảo để thu hoạch chè, nên việc dừng hẳn hoạt động thuyền trên hồ là rất khó. Xã thường xuyên tuyên truyền người dân, bằng văn bản và cả hệ thống truyền thanh xã, nhưng người dân vẫn hoạt động theo kiểu tự phát nên khó có thể cấm tuyệt đối được”, ông Nam nói.

Đến ngày 12/1/2017, những người lái thuyền chở khách tham quan đảo chè Thanh An chưa được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện.
Đến ngày 12/1/2017, những người lái thuyền chở khách tham quan đảo chè Thanh An chưa được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Theo thông tin ông Nam cung cấp thì đã có 51 người dân trong xã được đào tạo lái thuyền, hiện đang chờ cấp chứng chỉ đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Mới đây nhất, ngày 11/1/2017, UBND huyện Thanh Chương có văn bản số 57, trình UBND tỉnh và Sở GTVT tỉnh Nghệ An về việc bổ sung quy hoạch, cho phép mở bến thủy nội địa tại hồ Cầu Cau và cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tại đây. “Huyện chỉ đạo đình chỉ hoạt động các thuyền vận tải hành khách, đến khi có đủ điều kiện mới được hoạt động…”, ông Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu quan điểm.

Tàu chở khách tham quan đảo chè Thanh An (ảnh chụp sáng 12/1/2017) dù chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa tại đây.
Tàu chở khách tham quan đảo chè Thanh An (ảnh chụp sáng 12/1/2017) dù chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa tại đây.

Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện khu vực hồ thủy lợi Cầu Cau đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho một doanh nghiệp khảo sát đầu tư xây dựng khu du lịch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Cầu Cau thì công năng chính của công trình này vẫn là phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho 3 xã Thanh Thịnh, Thanh An và Thanh Chi, du lịch nếu có chỉ là chức năng phụ.

“Việc người dân tự ý đổ đất lấn chiếm bờ hồ để xây dựng bến thuyền, san sân bãi phục vụ hoạt động du lịch là vi phạm các quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, công ty không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ lập biên bản, đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Theo tôi, trong thời gian chờ các cơ quan liên quan thống nhất được cách thức quản lý, khai thác mặt nước để đảm bảo hài hòa nhiệm vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và chủ trương thu hút đầu tư phát triển du lịch tại hồ thủy lợi Cầu Cau thì cần phải cấm tuyệt đối các phương tiện vận tải hành khách trong lòng hồ”, ông Hùng cho hay.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm