Bauxite Tây Nguyên: Bộ TN-MT cảnh báo nhiều nguy cơ về sự cố môi trường

(Dân trí) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án bauxite ở Tây Nguyên gặp một số lỗi về kỹ thuật do chất lượng của công trình, công nghệ trong quá trình sản xuất nhưng được khắc phục kịp thời, không gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên trong tương lai, dự án này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường.

Trong văn bản nói về hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên vừa được gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do diễn biến thời tiết bất thường nên cần tiếp tục thực hiện phương án sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn nước, vỡ đập trong mùa mưa lũ tại dự án Tân Rai.

Đồng thời duy trì chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trên cơ sở đó, chủ dự án cần tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm và sự cố môi trường.

Hồ chứa bùn đỏ của dự án bauxite Tân Rai (Ảnh: Minh Anh).
Hồ chứa bùn đỏ của dự án bauxite Tân Rai (Ảnh: Minh Anh).

Đối với dự án ở Nhân Cơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu khẩn trương lập báo cáo tổng kết về kết quả vận hành thử nghiệm liên quan đến môi trường của dự án gửi Bộ này. Đối với khu vực khai thác phải khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn tại các tuyến đường vận tải, khu vực khai thác bảo đảm theo đúng ĐTM đã được phê duyệt.

“Bố trí lắp camera giám sát tại đập chắn của hồ thải quặng và thường xuyên bố trí người theo dõi giám sát hồ thải này để ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra, hoàn thành trong quý II/2018”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Về hồ bùn đỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị việc lưu giữ, bảo vệ phải đảm bảo không phát tán mùi ra môi trường; tăng cường quan trắc nước ngầm xung quanh hồ bùn đỏ và theo dõi diễn biến tình hình khắc phục hiện tượng sụt lún, sạt trượt phần diện tích đất gần khoang số 1 và khoang số 2 để có giải pháp tổng thể bảo đảm an toàn cho hồ bùn đỏ.

“Chuẩn bị kế hoạch thiết kế, xây dựng khoang dự phòng và hệ thống dẫn nước từ mặt bằng nhà máy alumin về các khoang hồ bùn đỏ nhằm phòng chống sự cố tràn nước nhiễm kiềm trong mùa mưa bão ra môi trường”- văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, tiến độ thực hiện các dự án bauxite Tây Nguyên đã chậm so với dự kiến và làm cho hầu hết các hạng mục công trình bảo vệ môi trường thi công đều chậm so với cam kết trong báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Đối với hồ bùn đỏ dự án Tân Rai, đã xây dựng xong khoang số 3 và đang triển khai khoang thứ 4 nhưng vẫn còn chậm trong công tác nghiệm thu và bàn giao. Các khoang của hồ mặc dù đã đưa vào vận hành nhưng bùn thải chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ rắn/lỏng. Chính vì thế cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan tâm đến lượng nước dư trong hồ bùn đỏ.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường

Đến nay dự án bauxite Tân Rai đã đi vào sản xuất bình thường. Chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng để hoàn thành các gói thầu công trình xây dựng, tiến hành vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức, sản xuất alumin. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình sản xuất, dự án vẫn còn gặp một số lỗi về kỹ thuật do chất lượng của công trình, công nghệ và để xảy ra 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời và không gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên trong tương lai, dự án này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường có thể xảy ra.

Đối với dự án ở Nhân Cơ đã đi vào sản xuất alumin, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, dự án này cũng đã xảy ra một số sự cố với quy mô nhỏ nhưng để lại dư luận không tốt. Chủ dự án phải coi đây là bài học kinh nghiệm để khắc phục trong quá trình vận hành chính thức dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác thị sát khu vực khai thác quặng của Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác thị sát khu vực khai thác quặng của Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Trong thời gian tới để thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, chỉ đạo việc xây dựng cơ chế phối hợp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ giữa Bộ này và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường nói chung, khai thác bauxite nói riêng.

Bộ Công thương xem xét hướng dẫn chủ dự án thực hiện nhanh chóng việc thẩm định, thiết kế các khoang hồ bùn đỏ tiếp theo của cả 2 dự án, chỉ đạo chủ dự án ở Nhân Cơ nhanh chóng khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt phần diện tích đất gần khoang số 1 và khoang số 2 của hồ bùn đỏ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức thanh tra công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của cả hai dự án khi cần thiết. Công tác kiểm tra, giám sát các dự án bauxite Tây Nguyên tiếp tục duy trì tối thiểu 3 lần/năm.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, sau 9 năm triển khai các thiết bị ở Nhà máy Alumin Tân Rai và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn.

Tháng 3/2017, Thanh tra Bộ Tài chính có kết luận thanh tra dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) sau 3 năm vận hành. Tại dự án Tân Rai, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 - 2009.

Tuy nhiên qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (hơn 800 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu và sau 3 năm đi vào hoạt động đã lỗ 3.696 tỉ đồng.

Thế Kha