1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế

(Dân trí) - Sinh năm 1910, tính theo tuổi ta, cụ Lữ Hữu Thi vừa tròn trăm tuổi. Cụ là nghệ nhân Nhã nhạc cuối cùng còn “sót” lại trong đội nhạc Hoà thanh (đội Tiểu nhạc) dưới thời vua Bảo Đại.

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 1

Năm 17 tuổi, trong một lần đến phục vụ nội thân nhà Vua ở cung An Định, tiếng đàn, tiếng sáo của cụ lọt vào mắt xanh hoàng tộc. Chính điều đó đã đưa cụ đến với đội nhạc Hòa Thanh và gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị. Cụ Thi nổi tiếng ở Huế với tài chơi đàn nhị và kèn bóp.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 2
Việc đầu tiên của cụ Thi khi thức dậy là... quấn một điếu thuốc lá sâu kèn cho đã cơn thèm. Chỉ có người Huế cổ mới hút thuốc kiểu này. Điếu thuốc được vê từ loại lá thuốc đặc sản ở Cẩm Lệ - Quảng Trị với hương vị đậm đà mà thuốc lá công nghiệp không có được. Đang ở tuổi 100 nhưng hiếm khi người ta thấy cụ Thi rời điếu thuốc.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 3
Ít lâu sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, hầu hết các nghệ nhân lại trở về với cuộc sống thường nhật như chưa hề có một cuộc bảo tồn rầm rộ nào trước đó. Đây là gian nhà chính của cụ Thi, nơi cụ đã sinh thành và nuôi dạy 10 người con trưởng thành.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 4
Cụ Lữ Hữu Thi bên cạnh người con trai cả Lữ Hữu Minh, cũng là một nghệ nhân Nhã nhạc. Cả đại gia đình nhà cụ Lữ Hữu Thi đều là nhạc công. Nhạc cụ diễn tấu cũng thường do gia đình cụ tự chế tác.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 5
Cứ 4 giờ chiều cụ lại thắp nhang cúng Tổ nghề. Hơn 80 chục năm gắn bó với Nhã nhạc, gần như không một ngày nào cụ bỏ thắp nhang. Đây là một tục lệ rất được coi trọng của những nhạc công Nhã nhạc và Ca Huế.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 6
Cụ Trần Kích (trái) và cụ Lữ Hữu Thi là hai nghệ nhân Nhã nhạc hàng đầu ở Huế. Cụ Trần Kích (86 tuổi) là người nắm giữ nhiều nhất hệ thống bài bản của Nhã nhạc. Thế nhưng, không phải ai cũng có cơ hội nghe Nhã nhạc bài bản do những nghệ nhân đích thực diễn tấu. Sắp tới, hai “báu vật sống” này sẽ được tôn vinh trong chương trình Vẻ Đẹp Việt trong Festival Nghề truyền thống Huế vào ngày 116/2009.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 7
Một trong những niềm vui thường nhật của cụ Thi là dạy đám chắt đông đúc của mình chơi Nhã nhạc. Trong ảnh, cụ đang dạy tụi nhỏ chơi trống trong mảnh sân nhỏ trước nhà.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 8
Lão nghệ nhân có trí nhớ tuyệt vời. Ở tuổi 99, cụ vẫn kể lại rành mạch chuyện đời mình. Cụ cũng là người duy nhất còn nhớ rõ bảy bản “Thài” cổ dùng trong lễ tế Nam Giao.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 9

Cụ Lữ Hữu Thi và nghệ nhân Ca Huế Thanh Hương - những bạn nghề khi xưa cùng ông biểu diễn tại các cuộc chơi Ca Huế vào cái thời mà Nhã nhạc chẳng mấy khi được diễn tấu.

 

“Báu vật” trăm tuổi của Nhã nhạc Huế - 10
Cụ Thi tản bộ trên con phố Đặng Tất - thành phố Huế, nơi ông đã sống cả cuộc đời Nhã nhạc của mình. Hàng ngày, cụ Thi vẫn giúp con cháu công việc đồng áng vì gia đình cụ vẫn còn làm ruộng. Sau năm 1975, khi Nhã nhạc rất có cơ hội diễn tấu, cụ từng đi chơi nhạc hiếu cho các đám ma, hoặc cho các lễ tế ở đình làng tại Huế để mưu sinh.   
 
 
Anh Dũng - Minh Thành - Việt Thanh