DMagazine

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn

(Dân trí) - Lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) khẳng định người dân trên địa bàn phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt môi trường do hoạt động của khu xử lý rác.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn

 (Dân trí) -  Lãnh đạo huyện Củ Chi (TPHCM) khẳng định người dân trên địa bàn phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt môi trường do hoạt động của khu xử lý rác.

Cứ đến mùa nửa mưa nửa nắng, người dân xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM) lại phải trải qua những ngày sống trong lo sợ bởi mùi rác thải, nước bẩn, ruồi, muỗi. Bầu không khí ẩm thấp đặc quánh sự ô nhiễm là điều mà những hộ dân sinh sống gần khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phải chịu đựng suốt 2 thập kỷ.

Thời điểm năm 2003, dự án bồi thường, giải tỏa để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 1 được UBND TPHCM phê duyệt. Đến năm 2009, thành phố tiếp tục chấp thuận chủ trương thực hiện dự án giai đoạn 2. Nhưng từ đó đến nay, những hàng cây nhằm ngăn sự ô nhiễm của khu liên hợp xử lý rác vẫn chưa mọc lên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, đến nay, người dân tại nhiều nơi trên địa bàn vẫn phải chịu mùi hôi thối phát ra từ hoạt động xử lý rác. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi mùa mưa tới.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 1

Những núi rác khổng lồ bên trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Ám ảnh mọi giác quan vì rác

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, mỗi ngày, toàn địa bàn có khối lượng chất thải phát sinh bình quân là 9.800 tấn, được điều phối về 4 đơn vị xử lý rác. Trong đó, khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Củ Chi chịu trách nhiệm xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày.

Các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây là Công ty Môi trường đô thị TPHCM, Công ty Thành Công, Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Vietstar, Công ty Tasco. Với công nghệ xử lý rác có phần lạc hậu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp, những cột khói khổng lồ mỗi khi đốt rác, dòng nước đen kịt bao phủ những con kênh kế cận là hình ảnh mà người dân tại khu vực này phải chứng kiến trong thời gian dài.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 2

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi.

Lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết, qua khảo sát, mùi hôi từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh ra ngoài tập trung chủ yếu ở hoạt động xử lý rác, khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính lên đến 10km. Vào mùa mưa, kết hợp với triều cường, tình hình thu gom nước thải tại đây vẫn chưa đảm bảo, đất đai quanh khu vực xử lý rác bị bỏ hoang, không thể canh tác, đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Theo chia sẻ của những hộ dân tại đây, họ bắt đầu cảm nhận được sự ô nhiễm chỉ một vài năm sau thời điểm khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc bắt đầu tiếp nhận lượng chất thải khổng lồ của toàn TPHCM (năm 2003). Nước trong giếng đào ngả màu, đóng phèn, có mùi lạ.

Bể lọc, miếng bẫy ruồi, thùng chứa nước là những "giải pháp tình thế" quen thuộc của mỗi người dân tại khu vực xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp, những nơi ảnh hưởng trực tiếp bởi sự ô nhiễm của khu xử lý rác. Đã từ lâu, họ đã quên đi mùi vị của những mạch nước ngầm, những chiếc giếng khoan tại nơi mình sinh sống.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 3

Dòng nước đen được cho rỉ ra từ bãi rác, đi theo cách rãnh trồng cây chảy ngang nhà dân gần khu xử lý rác.

Lãnh đạo huyện khẳng định, địa phương rất chia sẻ với thành phố trong việc di dời khu vực xử lý rác ra ngoại thành, đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp với quy mô 197,2 ha. Tuy nhiên, người dân huyện Củ Chi phải chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt môi trường do hoạt động của khu xử lý rác.

"Mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất, khu vực đó không thể có cây nào sống được", lãnh đạo huyện Củ Chi phân tích.

Mùi hôi thối của rác thải, đất đai bị ô nhiễm, bỏ hoang đang gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến 244 hộ dân suốt 20 năm qua, kể từ khi khu xử lý rác đi vào hoạt động. Những phản ánh, bức xúc của người dân tại khu vực được huyện Củ Chi tiếp nhận thường xuyên trong nhiều năm.

"Mùi hôi thối từ hoạt động xử lý rác không chỉ lan tỏa ở xã Thái Mỹ, Phước Hiệp. Hiện tại, mùi từ khu xử lý rác đã ảnh hưởng tới người dân tại khu vực thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội, Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Phước Vĩnh An", Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thông tin. 

Người dân mòn mỏi chờ cách ly mùi rác

Dự án bồi thường, giải tỏa để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc giai đoạn 1 được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2003. Đến năm 2009, UBND TPHCM tiếp tục chấp thuận chủ trương dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2.

Theo chủ trương này, khu xử lý rác sẽ được tạo quỹ đất, trồng cây xanh ngăn cách với khu vực xung quanh. Dự án nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp và Thái Mỹ, do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý rác thải thành phố (thuộc Sở TN&MT) làm chủ đầu tư.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 4

Những cột khói lớn xuất hiện khi các đơn vị trong khu liên hợp xử lý rác thực hiện đốt rác.

Tuy nhiên, cho đến nay, người dân xung quanh khu xử lý rác vẫn ngày ngày chờ đợi những hàng cây đủ lớn để bảo vệ họ được mọc lên. Trao đổi với phóng viên, một số người còn hoài nghi về khả năng dự án này đi vào thực tế.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền bày tỏ, địa phương nhận thấy, định hướng thực hiện dự án trồng cây xanh cách ly để giảm thiểu ô nhiễm, tránh phát sinh mùi hôi từ các nhà máy bên trong khu xử lý rác là phù hợp thực tế, là yêu cầu cấp thiết của người dân. Tuy nhiên, dự án thực hiện với tiến độ quá chậm, thời gian kéo dài nên đời sống, kinh tế của người dân rất khó khăn, dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án bồi thường, những người bị tác động bởi mùi rác thải vẫn còn nhiều bức xúc.

Việc dự án gián đoạn, tạm dừng, chưa triển khai được là bởi chính sách pháp luật về đất đai thay đổi và nhiều biến động khác trong quá trình đô thị hóa, thay đổi giá bồi thường… Những tác động này khiến kinh phí chi trả bồi thường bị tăng cao.

"Dự án khu cây xanh cách ly kéo dài khiến vấn đề về môi trường tại đây chưa thể được cải thiện. Và quan trọng nhất, đời sống của người dân khu vực nông thôn càng thêm khó khăn khi không thể canh tác trên vùng đất ô nhiễm, ruồi, muỗi, bầu không khí độc hại khiến họ đã cơ cực, lại càng cơ cực hơn", bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, chia sẻ.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 5

Nước thải chưa qua xử lý đọng lại bên trong khuôn viên khu liên hợp, bốc mùi hôi thối.

Do đó, chủ đầu tư dự án trồng cây xanh cách ly khu liên hợp xử lý chất thải rắn phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật trước khi phê duyệt dự án, phương án bồi thường, cũng như dự toán kinh phí. Mặt khác, tình hình chung hiện nay là việc bố trí quỹ nhà, đất tái định cư trước khi thu hồi đất cũng gặp rất nhiều khó khăn.

"Huyện Củ Chi thường xuyên kiến nghị HĐND, UBND thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị sớm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời chủ động báo cáo đề xuất bố trí vốn lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2", bà Phạm Thị Thanh Hiền thông tin.

Đến nay, HĐND TPHCM đã thông qua việc bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng. Vừa qua, UBND TPHCM cũng giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM, cho hay, hiện nay, khối lượng chất thải của thành phố phát sinh bình quân khoảng 9.800 tấn/ngày được điều phối về cho 4 đơn vị xử lý trên toàn địa bàn. Mục tiêu TPHCM hướng tới là giảm tỷ lệ rác chôn lấp, chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện năm 2025.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 6

Chôn lấp và đốt rác là 2 hình thức xử lý rác phổ biển tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc và cả TPHCM.

Tuy nhiên trong thực tế, việc chuyển đổi công nghệ của các đơn vị xử lý chất thải rắn còn chậm, vướng nhiều khó khăn do các thủ tục pháp lý. Đồng thời, các đơn vị luôn mong muốn được chuyển đổi công nghệ đồng thời nâng công suất xử lý cao hơn công suất trong hợp đồng đã ký nhưng việc này cần phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Công tác triển khai các dự án đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý rác còn chậm do chưa có quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Loại hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT) cũng chưa được các bộ ngành hướng dẫn triển khai thực hiện cũng như chưa được áp dụng trên thực tế.

"Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch điện 8, trong đó có điện rác. Đồng thời, Nghị quyết 98 cũng có thêm nội dung đối với đổi mới công nghệ các nhà máy xử lý rác trên địa bàn. Đây là cơ sở pháp lý và cơ sở quy hoạch để TPHCM thay đổi cách thức xử lý rác trên toàn địa bàn", ông Nguyễn Toàn Thắng phân tích.

Bầu không khí độc hại ở bãi rác Củ Chi khiến người dân cơ cực hơn - 7

Nội dung: Q.Huy

Ảnh: Hải Long