Người dân than trời vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước
(Dân trí) - Người dân sinh sống quanh bãi rác Đa Phước (Bình Chánh, TPHCM) khốn khổ vì nguồn nước ô nhiễm, mùi hôi thối bủa vây qua nhiều năm.
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng chừng 20km, bãi rác Đa Phước với diện tích 600ha là nơi tập kết, xử lý chất thải của toàn thành phố. Hơn chục năm trở lại đây, từ tháng 5 trở đi khi bước vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao khiến mùi hôi phát sinh từ khu xử lý chất thải này càng nồng nặc hơn.
Đây cũng là lúc gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh khiến người dân ở khu vực phía Nam thành phố như khu Đa Phước (huyện Bình Chánh), huyện Nhà Bè, khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), phải hứng chịu mùi hôi thối phát ra từ bãi rác này.
Hàng ngày, xe chở rác luân phiên chạy dọc trên quốc lộ 50 từ bãi rác Đa Phước vào trung tâm thành phố để thu gom rác.
Bên trong bãi rác như một công trường với hàng chục xe múc hoạt động liên tục trên bãi rác khổng lồ.
Cách bãi rác chưa đầy 500m, các hộ dân sống tại đây khốn khổ vì mùi hôi thối và cả nguồn nước sinh hoạt. Không có nước sạch, đa phần họ sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, họ chỉ dùng để tắm rửa, không dám dùng nấu ăn vì mùi hôi, sợ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Gia đình ông Đỗ Văn Truyền (49 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) có 3 người, mỗi tháng tốn hơn 200.000 đồng mua nước lọc để sinh hoạt. "Lâu lâu nước lại đổi màu. Nhiều lần tắm, người tôi nổi mẩn như mề đay. Gia đình phải lọc qua 2 đến 3 lần mới dám sử dụng", ông Truyền nói.
Dù đã lọc qua nhiều lớp nhưng nguồn nước giếng khoan tại đây vẫn hôi mùi bùn. Mỗi lần bơm nước từ giếng lên cũng mất rất nhiều thời gian. Không chỉ vậy, theo người dân, vào mùa này, sau mỗi trận mưa mùi hôi thối phát ra lại càng nồng nặc. Nhiều hộ gia đình vì không chịu nổi mùi hôi phải đóng cửa kín, trùm mùng ăn cơm.
Tại khu vực này hiện có 6 hộ nuôi tôm. Đến nay một số hộ đã phải bỏ ngang vì không thể gồng lỗ.
Nguồn nước ảnh hưởng khiến tôm không thể phát triển. Dịch bệnh khiến vụ tôm vừa rồi gia đình anh Nguyễn Trọng Nghĩa (39 tuổi) lỗ hơn 80 triệu đồng.
Vừa thu hoạch vụ tôm xong, một số hộ đã xử lý rửa ao, một số đã tạm ngưng, bỏ trống ao mấy tháng nay.
Ông Trần Công Luận (74 tuổi) sống bằng nghề nuôi tôm nhiều năm nay, giờ cũng phải bỏ ngang vì lỗ chồng lỗ.
Cách bãi rác hơn 10km, khu dân cư Phú Mỹ Hưng ở quận 7, cũng đang phải sống chung với mùi hôi từ bãi rác này theo chiều gió đưa đến. Bức xúc vì tình trạng trên nhiều người tại khu vực phía Nam thành phố đã lập nhóm trên mạng xã hội có tên "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" với gần 4.000 người tham gia. Họ muốn nói lên tiếng nói của mình, phản ánh ô nhiễm không khí quanh khu vực.
Theo lãnh đạo Sở tài nguyên và Môi trường, hiện nay, bãi chôn lấp của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước được TPHCM giao xử lý 6.000 - 6.800 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác đã cũ, chủ yếu là chôn lấp do đó mùi hôi phát tán từ bãi chôn lấp rác tại đây là không tránh khỏi.
Cứ 19h hàng ngày, các đoàn xe chở rác lại nối đuôi nhau về tập kết chất thải tại bãi rác Đa Phước khiến cả con đường quốc lộ 50 nồng nặc mùi hôi.
Mong muốn của hầu hết người dân ngay lúc này là sự vào cuộc của chính quyền, sử dụng các biện pháp giảm thiểu tạm thời như xịt thuốc giảm mùi hôi... Ngoài ra, cần phải có những phương án đường dài nhằm đảm bảo chất lượng không khí, chất lượng nước, trả lại cuộc sống trong lành cho người dân.