1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bầu cử đại biểu Quốc hội không ưu tiên ai cả!

(Dân trí) - Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 47 bàn một số nội dung liên quan đến kỳ họp sắp tới. Bên lề phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết một số vấn liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

Thưa Phó Chủ tịch, đến nay việc chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) đã được thực hiện như thế nào?

 

Đến nay, các tỉnh thành trên toàn quốc đã tổ chức hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cửa đại biểu QH khóa XII và báo cáo Hội đồng bầu cử Trung ương. Ủy ban Thường vụ QH hiện đang tập trung điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu QH được bầu của các cơ quan,tổ chức và đơn vị ở Trung ương và địa phương.

 

Nếu sự lựa chọn của người dân sẽ có kết quả khác với cơ cấu chúng ta đã quy định liệu thì có ảnh hưởng gì không và đó có được coi là một cuộc bầu cử thành công?

 

Giả sử có một vài xê dịch thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều và khả năng này khó xảy ra. Và dù có thế nào đi nữa thì chúng ta phải theo sự lựa chọn của người dân.

 

Thưa ông, để có những người thực sự có đức có tài tại sao chúng ta không tăng số lượng ứng cử viên lên để cử tri lựa chọn?

 

Trước nay chúng ta vẫn thực hiện theo cách nếu bầu 2 thì sẽ đưa 3 hoặc 4 người. Vấn đề này là tuỳ từng nơi và phải dựa theo luật và phải đạt số dư tối thiểu. 

 

Các ứng cử viên sẽ tranh cử như thế nào?

 

Để tranh cử, liệu các ứng cử viên có nên có có những cuộc tranh luận khu vực?  

 

Tranh cử có thể hiểu theo rất nhiều nghĩa, chúng ta không nên hiểu ở đây là 2-3 ứng viên  tranh cãi chê bôi nhau. Việt Nam khác với nước ngoài ở chỗ là, các ứng viên báo cáo trước dân chứ không cãi nhau với đối thủ cùng địa điểm bỏ phiếu. Ai chứng tỏ trước dân về khả năng, năng lực trình độ và chương trình hành động và được người dân tin, dân nghe  thì họ sẽ được tín nhiệm.

 

Vậy ứng viên có thể lập ra các hình thức để vận động tranh cử như mở diễn đàn, tổ chức họp báo?

 

Tôi cho rằng không nên như thế. Tất cả công dân đều ở trong Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), trong tổ chức. Và MTTQ sẽ đảm trách việc này công bằng và  chu đáo. Chỉ cần ứng viên đăng ký “tôi muốn trao đổi thế này…” thì chắc chắn phía MTTQ sẽ sẵn sàng.

 

Thưa ông, nếu người việt Nam ở nước ngoài cũng muốn đứng ra ứng cử thì cơ hội cho họ trong cuộc bầu cử này như thế nào?

 

Hiện nay, Luật chưa có điều khoản nào áp dụng cho người Việt Nam ở nước ngoài. Có lẽ, vấn đề này chúng ta sẽ phải chờ.

 

Kê khai tài sản sẽ do Mặt trận hướng dẫn

 

Người dân thường có rất ít thông tin đầy đủ về các đại biểu ra ứng cử, làm thế nào để cử tri có được thông tin đầy đủ để họ lựa chọn chính xác?

 

Tôi không nghĩ như vậy. Việc MTTQ hiệp thương theo “5 bước 3 vòng” thì các cử tri đã có rất nhiều thông tin. Ngoài ra các ứng cử viên còn phải lấy ý ý kiến nhân dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Cuối cùng người đó lại phải phát biểu ở nơi ứng cử. Như thế thì không thể nói là thiếu thông tin được.

 

Tại hội nghị hiệp thương đó, những thành phần nào được tham dự?

 

Các thành phần tham dự đã được quy định trong luật, không phải bất cứ người nào cũng vào được. Theo luật thì có những thành phần riêng và phải tất cả các đơn vị bầu cử phải thực hiện đủ, đúng theo quy định. Nếu không đúng thành phần thì không thể hiệp thương. Còn các cử tri khác muốn gặp.

 

Ý kiến chung từ phía doanh nghiệp là muốn có thêm nhiều đại diện hơn nữa trong QH, ông đánh giá gì về ý kiến này?

 

Không chỉ doanh nghiệp mà các dân tộc,  các giới, thành phần xã hội khác… đều muốn có đại diện của mình. Nhưng tổng số đại biểu chỉ có 500 người, vì vậy phải phân bổ ra. Chắc chắn là sẽ đại diện của họ. Còn ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào kiến nghị của dân.

 

MTTQ vừa có một đề nghị rất mới so với các cuộc bầu cử trước, đó là tại các hội nghị tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú thì người ứng cử phải công khai bản kê khai tài sản. Ý kiến của Uỷ ban Thường vụ QH về đề nghị này như thế nào?

 

Luật có yêu cầu công khai tài sản, còn công khai như thế nào là do Mặt trận hướng dẫn. Uỷ ban Thường vụ QH hoan nghênh điều này.

 

Đối với các đại biểu QH chuyên trách, nếu không trúng cử  sẽ được giải quyết như thế nào?

 

Nếu không trúng cử nữa thì sẽ chuyển sang làm cán bộ bình thường thôi không còn là đại biểu QH nữa. Đại biểu QH và bầu cử đại biểu QH là bình đẳng và không có ưu tiên ai cả.

 

Thái Sơn (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm