1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh tra tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam:

Bất thường ngay từ việc thành lập đoàn thanh tra

Một sai phạm chưa từng có, cùng một nội dung thanh tra nhưng có tới hai quyết định thành lập đoàn thanh tra. Hai quyết định này trùng số, ra trùng ngày, tháng, năm... chỉ khác ở chỗ một do Phó Tổng Thanh tra Trần Quốc Trượng ký và một do Phó Tổng Thanh tra Vũ Phạm Quyết Thắng ký.

Có quá nhiều sai phạm xảy ra trong quá trình thanh tra các dự án của Tổng Công ty Dầu khí. Các sai phạm này không chỉ tồn tại trong nội bộ đoàn thanh tra với những nhóm hành vi hù dọa rồi nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra để bỏ qua hàng loạt sai phạm nghiêm trọng..., mà còn ẩn khuất trong những quyết định đầu tiên của lãnh đạo Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) về việc thành lập đoàn thanh tra.

 

Theo đó, có tới hai quyết định thành lập đoàn thanh tra trùng số là 501/QĐ/TTNN, trùng ngày ký là 20/3/2005 với nội dung gần như giống hệt nhau từ căn cứ  đến các điều khoản của quyết định là: “Quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về việc thanh tra dự án đầu tư, mua sắm trang, thiết bị lớn của các Tổng Công ty Dầu khí, Dệt may, Rượu bia; dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện ở Hà Nội, Hải Phòng”.

 

Điểm khác biệt của hai quyết định này là một do Phó Tổng Thanh tra Trần Quốc Trượng ký và một do Phó Tổng Thanh tra Vũ Phạm Quyết Thắng ký, trong đó quyết định do Phó Tổng Thanh tra Vũ Phạm Quyết Thắng ký thì ông Nguyễn Văn Tâm - thanh tra viên chính là Phó trưởng đoàn, còn quyết định do Phó Tổng Thanh tra Trần Quốc Trượng ký thì ông Nguyễn Văn Tâm là đoàn viên.

 

Cả hai quyết định trên đều không có điều khoản quyết định này thay thế quyết định kia, thì không hiểu quyết định của Phó Tổng Thanh tra nào có hiệu lực pháp luật.

 

Theo một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thì cùng một nội dung thanh tra, không thể có hai quyết định thành lập đoàn thanh tra, nhất là hai quyết định ấy lại giống hệt nhau. Lỗi này thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính, tổ chức khi làm dự thảo quyết định trình lãnh đạo này ký không nói rõ quyết định ấy đã được một lãnh đạo khác ký rồi, nên dẫn đến có hai quyết định trùng số, trùng nội dung.

 

Điều đáng nói là khi bộ phận này làm dự thảo quyết định ký sau lại không xây dựng điều khoản huỷ hay thay thế quyết định trước, nên dẫn đến cả hai quyết định cùng tồn tại song song, điều ấy là sai. Những việc làm tắc trách trên tại Thanh tra Chính phủ - một cơ quan có chức năng thanh kiểm, tra phát hiện sai phạm của các cơ quan khác cho thấy có quá nhiều điều phải suy nghĩ. “Một sai sót chứng tỏ lối quản lý hành chính luộm thuộm, tuỳ tiện và lỏng lẻo” - một cán bộ Thanh tra Chính phủ đã nhận xét như vậy.

 

Theo một số chuyên gia có kinh nghiệm thì điều bất thường lớn nhất trong cả hai quyết định thanh tra trên là không hiểu tại sao lãnh đạo thanh tra lại quyết định giao cho nguyên Vụ phó Lương Cao Khải làm trưởng đoàn thanh tra cùng một lúc tới 4 nhóm dự án có giá trị đặc biệt lớn, địa bàn rộng, phức tạp là dự án đầu tư, mua sắm trang, thiết bị lớn của Tổng Công ty Dầu khí, Tổng Công ty Dệt may, Tổng Công ty Rượu bia và dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện Hà Nội, Hải Phòng. Đây là điều có lẽ chưa từng xảy ra.

 

Và có lẽ chính từ những bất hợp lý đầu tiên ấy mà các sai phạm cứ liên tiếp xảy ra, từ sai phạm của cán bộ thanh tra dẫn đến một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong công luận và dư luận xã hội.  

 

Theo Nhóm PVĐT

Lao Động

Dòng sự kiện: Vụ Lương Cao Khải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm