1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Bắt mạch" những lỗi có nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng, khu công nghiệp

Tâm Linh

(Dân trí) - Các lãnh đạo thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã chỉ ra những bất cập dẫn đến nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng, khu công nghiệp.

Chiều 7/12, tọa đàm "Phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng và khu công nghiệp" được tổ chức tại TPHCM, với sự tham dự của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH - C07); đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TPHCM; Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam...

Mở đầu sự kiện, Đại tá - PGS.TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM (Trưởng ban tổ chức chương trình) nói: "Thời gian qua, trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khi thực hiện các quy định về PCCC &CNCH đã nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí không thực hiện được.

Trước tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với nhà cao tầng, nhà xưởng công nghiệp, nhằm nhận diện rõ thực trạng, nguy cơ, để từ đó đề xuất, hiến kế những giải pháp để hạn chế cháy nổ".

Bắt mạch những lỗi có nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng, khu công nghiệp - 1

Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM (Ảnh: Tâm Linh).

Đại tá - PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng C07, đã phân tích các vấn đề về PCCC đối với dạng công trình công nghiệp và nhà cao tầng.

Theo Đại tá Khương, đối với nhà cao tầng, các bất cập thường gặp là về khoảng cách PCCC, về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí khu vực lưu giữ xe, bãi đỗ xe hoặc xây dựng các hạng mục khác hoặc làm thêm bồn cây, tiểu cảnh làm ảnh hưởng đến chiều rộng của đường giao thông phục vụ chữa cháy.

Ví dụ, có chung cư bố trí bãi trông giữ xe bên ngoài chặn lối đi và đè lên khoảng trống dành cho xe cứu hỏa, hoặc xây thêm các hạng mục khác làm ảnh hưởng đến khoảng cách PCCC.

Bên cạnh đó, về lối thoát nạn trong công trình, chiều mở cửa đối với các gian phòng có trên 15 người không được thiết kế theo hướng thoát nạn; người dân để vật dụng trên hành lang, cầu thang thoát nạn; cửa vào thang thoát hiểm không tự động đóng kín, không có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn ở từng tầng, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn lối thoát nạn không đảm bảo hoạt động...

Quan trọng hơn là về điều kiện ngăn cháy, có công trình không đảm bảo giải pháp ngăn cháy giữa những gian phòng có công năng sử dụng khác nhau. Ví dụ tường ngăn không đảm bảo giới hạn chịu lửa, hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông gió, PCCC, ống đổ rác) không được chèn kín, dẫn đến không thể ngăn cháy, chống tụ khói theo khoảng trống thông tầng...

Phó Cục trưởng C07 cũng đề cập đến việc bố trí mặt bằng, thay đổi công năng không đúng số tầng, diện tích khoang cháy (xây thêm một số công trình chứa đông người bên trong như nhà trẻ, rạp chiếu phim, câu lạc bộ, phòng tập thể thao...) trên các tầng cao không đảm bảo theo quy định.

Trong đó, trường hợp vi phạm thường gặp nhất là về không trang bị đầy đủ phương tiện PCCC, không bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị PCCC dẫn đến hư hỏng một phần hoặc toàn bộ.

Bắt mạch những lỗi có nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng, khu công nghiệp - 2

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng C07, phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Tâm Linh).

Còn đối với công trình công nghiệp, Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng đề cập đến một số nguyên nhân như đối với công trình nhà cao tầng về khoảng cách, bố trí mặt bằng, công năng.

"Đặc biệt là tình trạng việc nới dài mái tôn giữa các nhà xưởng làm giảm khả năng thoát khói, tạo khoang cháy dẫn đến dễ cháy lan. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi ghi nhận vẫn thấy còn nhiều cơ sở chưa khắc phục được vấn đề này", Phó Cục trưởng C07 nhấn mạnh.

Trong sự kiện, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), lại nói về vấn đề đầu tư cho công tác PCCC của mỗi doanh nghiệp, công trình.

Theo Đại tá Tâm, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở trải qua khoảng thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cho đến nay, nhiều cơ sở chưa thực sự phục hồi kinh tế.

Các doanh nghiệp, người dân thuê mặt bằng hoạt động tại các công trình hiện hữu để đầu tư xây dựng, trang bị lắp đặt hệ thống PCCC đang gặp vướng mắc. 

Trường hợp gặp nhiều là các doanh nghiệp thuê mặt bằng tại các tòa nhà trước đây đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC, nhưng để phù hợp với yêu cầu hoạt động thì doanh nghiệp đã cải tạo, sửa chữa. Theo quy định của pháp luật, họ phải thực hiện đi thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. 

"Điều này rất khó thực hiện vì kinh phí lớn hoặc khó tìm được phương án khả thi. Nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các công trình có sẵn (nhà xưởng, kho bãi, nhà dân....), để đảm bảo các yêu cầu về PCCC ngoài việc đầu tư kinh phí lớn còn vấp phải nhiều trở ngại.

Ví dụ, doanh nghiệp phải cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu công trình (việc này đơn vị cho thuê thường không đồng thuận); khó khăn khi xin phép cơ quan quản lý xây dựng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng...", Đại tá Huỳnh Quang Tâm làm rõ vấn đề vướng mắc.

Bắt mạch những lỗi có nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng, khu công nghiệp - 3

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 (Ảnh: Tâm Linh).

Trưởng phòng PC07 nói thêm, TPHCM là địa phương có số lượng nhà cao tầng và khu công nghiệp lớn, do đó, công tác PCCC&CNCH cần có sự ưu tiên quan tâm.

Không chỉ dừng lại ở những kết quả bước đầu đạt được, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng cũng như Công an TPHCM nói chung vẫn tiếp tục tinh thần đồng hành cùng các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong đó, công tác cụ thể là tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo các cấp đề ra các chương trình, phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC&CNCH cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và khu dân cư.

Theo báo cáo của PC07, đầu năm 2023, trên địa bàn TPHCM có khoảng 629 công trình xây mới, cải tạo thiết kế chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC để cấp giấy thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Đến ngày 15/7, số lượng nêu trên còn 370 công trình.