(Dân trí) - Nghịch lý phát triển đang diễn ra với đầu tàu TPHCM, khi phải trải qua sự suy giảm dù có tiềm năng, nội lực lớn. Để phá bỏ nghịch lý, thành phố cần giải tỏa nhanh các điểm nghẽn, đặc biệt về hạ tầng.
"Bắt mạch" nghịch lý phát triển ở TPHCM: Nội lực lớn... vì sao đi giật lùi?
(Dân trí) - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đầu tàu TPHCM gặp phải "nghịch lý phát triển" khi có tiềm năng, nội lực lớn nhưng đang trải qua sự thụt lùi. Để phá bỏ nghịch lý này, thành phố cần được tạo điều kiện để giải tỏa nhanh các điểm nghẽn, đặc biệt là về hạ tầng.
***
Vị thế của đầu tàu TPHCM chắc chắn chưa thể bị địa phương nào khác "soán ngôi" trong tương lai gần. Tuy nhiên, hơn một thập niên gần đây, sự vươn lên mạnh mẽ của một số tỉnh, thành đã thu hẹp khoảng cách và tiến tới viễn cảnh cạnh tranh ngang tầm với đầu tàu kinh tế trong tương lai không quá xa. Viễn cảnh này ngày càng rõ nét khi sự sụt giảm tính năng động, sáng tạo và tốc độ tăng trưởng của TPHCM được nhắc đến nhiều thời gian gần đây.
Trong cuộc phỏng vấn của Báo điện tử Dân trí, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, qua các số liệu thực tiễn, sự suy giảm của TPHCM trong 10 năm qua rất rõ ràng, thậm chí ở mức độ khá nghiêm trọng. Khi đặt lên bàn cân với Hà Nội - địa phương có nhiều điểm tương đồng về vai trò, vị thế và quy mô kinh tế - sự chậm lại của TPHCM càng được thể hiện rõ.
"Khi sự suy giảm diễn ra trong hàng chục năm thì câu chuyện không còn là ngẫu nhiên, là kết quả của những sai sót đơn lẻ hay yếu kém nhất thời. Vấn đề nằm ở cơ cấu nội tại, ở cơ chế và các động lực bên trong. Trên thực tế, nhiều ách tắc phát triển cơ bản của TPHCM và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã không được giải quyết triệt để trong suốt một thời gian dài", ông Thiên nêu góc nhìn.
Những ách tắc phát triển chủ yếu do cơ sở hạ tầng yếu kém, động lực phát triển suy giảm. Muốn khơi thông những điểm nghẽn này, thành phố cần thêm nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách vượt trội. Đây là những yếu tố quyết định khả năng bứt phá mà đầu tàu này đang thiếu.
"Môi trường kinh doanh thừa trói buộc, thiếu thông thoáng"
Thời gian qua, sự suy giảm vị thế đầu tàu của TPHCM đã nhiều lần được các lãnh đạo Trung ương đề cập tới. Số liệu thực tế cũng thể hiện rõ điều này trong quãng thời gian hơn 10 năm trở lại đây. Theo ông, đà suy giảm này nói lên điều gì?
- Sự sụt giảm của TPHCM là có và thậm chí đang ở mức nghiêm trọng. Không chỉ riêng TPHCM, sự suy giảm vị thế kinh tế còn được ghi nhận tại vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi so sánh trên bình diện cả nước. Các Nghị quyết mới nhất của Trung ương về vùng Đông Nam bộ và TPHCM đã chỉ rõ điều này.
Tôi gọi đây là một "nghịch lý phát triển". TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tiềm năng rất lớn, nội lực dồi dào, năng động phát triển bậc nhất, trình độ phát triển kinh tế cao nhất, do đó khả năng trỗi dậy rất mạnh mẽ. Sự thụt lùi chứng tỏ vùng này đang gặp phải những trở ngại phát triển lớn và bất thường.
Điểm cần nhấn mạnh, khi sự suy giảm kéo dài hàng chục năm, nó không còn là "sự cố" do sai sót hay yếu kém riêng lẻ nào đó gây ra. Chắc chắn, đó là vấn đề của cấu trúc phát triển - tức những vấn đề cơ cấu, cơ chế và động lực bên trong.
TPHCM và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều ách tắc không được giải quyết triệt để. Điển hình trong đó là ách tắc về giao thông, lĩnh vực hạ tầng, đô thị. Vấn đề về thiếu đường vành đai, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường tại TPHCM và vùng này chưa thể khắc phục.
Đây đều là những vấn đề cốt tử trong sự phát triển của một siêu đô thị, của một trung tâm phát triển hàng đầu Vùng kinh tế trọng điểm và cả nước. Tính chất nghiêm trọng của vấn đề còn ở chỗ, những bất cập này không chỉ tác động đến TPHCM mà còn ảnh hưởng đến cả vùng và cả nền kinh tế.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến "nghịch lý phát triển" và nút thắt của TPHCM hiện tại?
- Các tài liệu chính thức cũng như báo chí đã nhiều lần chỉ rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những nút thắt phát triển của TPHCM là tình trạng thiếu vốn kinh niên. Nguồn vốn của TPHCM tự tạo ra thiếu, nguồn vốn Trung ương cho các công trình quốc gia trên địa bàn cũng không được bảo đảm.
Vốn cho các công trình kết nối Vùng kinh tế trọng điểm cũng vậy. Việc thiếu vốn khiến tiến độ các công trình hạ tầng nền tảng bị chậm, thiếu bệ đỡ cho sự phát triển, thiếu các dự án mang tính đột phá, tạo khả năng xoay chuyển tình thế.
Ngoài ra, TPHCM và các tỉnh trong vùng như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là một cụm phát triển cực kỳ mạnh, trình độ kinh tế thị trường, mức độ hội nhập quốc tế cao nhất Việt Nam. Thế nhưng, cơ chế cho những địa phương này về cơ bản vẫn giống hệt các địa phương khác, kể cả những địa phương phát triển chậm. Đó là một sự trói buộc.
Đối với TPHCM, cách phân bổ nguồn lực kiểu "cào bằng", tình trạng "đồng phục" thể chế khiến tính năng động, sáng tạo cũng như năng lực đột phá rất khó phát huy. Cách tiếp cận "xin" cơ chế "đặc thù" để có thêm nguồn lực không giúp tạo động lực phát triển mới. Về dài hạn, việc "xin" này còn chứa đựng nguy cơ triệt tiêu động lực của đầu tàu tiên phong - dẫn dắt.
Địa phương này cần quyền tự chủ mạnh hơn, tự chủ về nguồn lực ngân sách, nguồn lực về chính sách và các câu chuyện trong quản lý nhân sự, bộ máy. Khi họ có quyền tự chủ mạnh hơn thì tính chủ động, sáng tạo sẽ cao hơn và phát huy nhiều hơn năng lực vốn có.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiếu vắng các thể chế mới, gắn với bước chuyển sang thời đại hội nhập quốc tế, kinh tế số và công nghệ cao. TPHCM phải là nơi tiên phong sáng tạo và áp dụng các hình mẫu thể chế mở đường, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới. Thế nhưng trên thực tế, thành phố vẫn vắng bóng những thể chế, cơ chế "vượt trước" đúng tầm, đóng vai trò hình mẫu phát triển cho cả nước.
Trước đây, tôi thường tự hỏi, tại sao TPHCM - mảnh đất "tìm về" của đông đảo người Việt từ khắp mọi miền đất nước - nhưng chưa có sức hấp dẫn mạnh đối với các nhà khởi nghiệp trong nước. Họ thường đăng ký khởi nghiệp tại Singapore.
Câu trả lời tôi tìm ra là môi trường kinh doanh thừa trói buộc thiếu thông thoáng, ít khuyến khích cạnh tranh và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Đây thật sự là vấn đề nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai, là vấn đề đặt ra không chỉ cho TPHCM mà cả nước.
Để TPHCM thử nghiệm thể chế "vượt trước"
Ông vừa đề cập tới việc TPHCM cần được trao nhiều quyền chủ động hơn nhằm khơi thông các điểm nghẽn. Vậy, những quyền chủ động đó là gì?
- Trong bước chuyển thời đại hiện nay, TPHCM đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo bước ngoặt phát triển, thể hiện đúng vị thế đầu tàu của nền kinh tế. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị mới ban hành.
Công cuộc "thể chế hóa" Nghị quyết 31 đang được Chính phủ và Quốc hội tích cực triển khai. Trong công cuộc này, tôi thấy nổi lên một số nội dung sau.
Thứ nhất, quá trình "thể chế hóa" phải tạo điều kiện tối đa cho TPHCM giải tỏa nhanh các điểm nghẽn, đặc biệt là các vấn đề về thể chế - cơ chế. Vấn đề này cần được coi là nhiệm vụ quốc gia, là trách nhiệm quốc gia và vì lợi ích quốc gia.
Chúng ta cũng phải loại bỏ tư duy "cào bằng", "cục bộ" hay suy nghĩ "ưu ái, thiên vị TPHCM". Đây là điều kiện tiên quyết để vượt các rào cản cơ chế, chính sách đang kìm hãm năng lực của TPHCM. Chỉ khi được thí điểm những cơ chế vượt trội, phù hợp với tầm và thế, TPHCM mới có thể phát triển đúng kỳ vọng về một "đầu tàu" mà các bên đã khẳng định từ trước tới nay.
Thứ hai, TPHCM cần được tạo điều kiện để giải tỏa nhanh ách tắc về chính sách, thủ tục và được ưu tiên tối đa nguồn lực khơi thông các điểm nghẽn hạ tầng. Khi những bất cập về hạ tầng của đại đô thị TPHCM được giải quyết, cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thấy rõ chuyển biến.
Để làm được điều đó, tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho TPHCM cần tăng lên. Ngoài ra, địa phương này cần được trao thêm quyền chủ động về ngân sách theo hướng khuyến khích chủ động tăng nguồn thu.
Nếu phần ngân sách để lại cao hơn, TPHCM sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn, có điều kiện để chủ động giải quyết những tồn tại cố hữu như kẹt xe, ngập nước, cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…
Tiếp theo là TPHCM cần được trao cơ chế, chính sách và trách nhiệm "giải phóng" các nguồn lực sẵn có trên địa bàn nhưng chưa được sử dụng hiệu quả. Có rất nhiều tòa nhà, bất động sản Nhà nước trên "đất vàng" đang bị lãng phí. Tái cơ cấu sử dụng nguồn lực "bất động" to lớn này sẽ giúp làm tăng đáng kể nguồn thu cho cả ngân sách Trung ương lẫn địa phương.
Theo tính toán của chúng tôi mấy năm trước, một đồng vốn "mồi" TPHCM bỏ ra có thể thu hút thêm 7-10 đồng vốn đầu tư xã hội. Điều đó cho thấy khi tạo thêm nguồn lực, tạo thêm sự chủ động, TPHCM sẽ không chỉ phát huy được những thế mạnh nội tại mà còn thu hút thêm rất nhiều nguồn lực bên ngoài.
Các quỹ đầu tư - tài chính của TP nếu có thêm những cơ chế tự chủ thông thoáng hơn, chắc chắn sẽ giúp phát huy cao độ động lực mạnh mẽ này.
Thứ ba, thành phố cần được tăng quyền chủ động về bộ máy và nhân sự. TPHCM là một siêu đô thị, với cấu trúc phát triển và chức năng hoạt động có nhiều khác biệt đa số các tỉnh thành trong cả nước, có trình độ phát triển vượt trội, đi trước.
Với đặc điểm trên, siêu đô thị cần có tổ chức bộ máy và nhân sự "vượt trước" (trong khuôn khổ pháp luật) để tương ứng với nhu cầu.
TPHCM nên được giao quyền chủ động hơn về biên chế, tổ chức bộ máy dựa trên nguyên tắc "hợp đồng công việc". Theo đó, quá trình "chuẩn hóa" bộ máy quản lý điều hành sẽ tự động diễn ra mà không cần nỗ lực "tinh giản biên chế" hết đợt này đến đợt khác theo lối hành chính và rất kém hiệu quả.
Cần coi TPHCM là nơi thí điểm những phương án "thể chế vượt trước" như vừa nêu. Sự thành công sẽ là cơ sở để mở rộng áp dụng trên phạm vi cả nước.
Đến lúc để TPHCM nhập cuộc với thế giới
Theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, TPHCM có sứ mệnh xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai gần. Theo ông, những phần việc nào cần thực hiện để mục tiêu lớn này trở thành hiện thực?
- Trước hết, cần khẳng định những việc TPHCM cần làm hiện nay không dừng lại ở việc tháo gỡ các điểm nghẽn. Tháo gỡ chỉ là để thoát khỏi ách tắc cũ, TPHCM còn nhiều việc cần làm để nhập cuộc với thế giới, hình thành năng lực cạnh tranh ở tầm quốc tế hoàn toàn mới.
Vấn đề xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM được đặt ra là đúng đắn. Nhưng dù rất quan trọng, đây cũng chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách phải làm nhằm cạnh tranh ngang tầm thế giới.
Để phá bỏ những giới hạn cũ, TPHCM đang rất cần những thể chế, cơ chế vượt trội - vượt trước chứ không chỉ là "đặc thù". Những thế chế mới phải khuyến khích sáng tạo mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, chứ không chỉ là "thông thoáng hơn", "ưu ái" thành phố hơn một chút so với các địa phương khác.
Để nhập cuộc và cạnh tranh trong thế giới hiện đại, tạo lập những năng lực cạnh tranh mới, thành phố cần nỗ lực đi trước cả nước trong việc xây dựng thể chế phát triển, tạo hình mẫu cho cả nước. Đó mới đích thực là vai trò "đầu tàu dẫn dắt".
TPHCM còn thiếu những dự án đột phá đủ mạnh, đủ để xoay chuyển tình hình, tạo thế và lực phát triển mới, cạnh tranh và sánh vai quốc tế. Hiện tại, "Trung tâm Tài chính quốc tế" và "thành phố Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo, tương tác cao" là những dự án đủ mạnh tôi nhắc tới.
Ngoài ra, một Trung tâm Thương mại - Hội chợ quốc tế tầm cỡ là mảnh ghép không thể thiếu trong bức chân dung của một trung tâm hội nhập quốc tế hiện đại. Trong tương lai, đây là cấu phần không thể thiếu của TPHCM khi nới rộng mức độ hội nhập.
Điều cần đặc biệt lưu ý, các dự án là động lực vươn xa của TPHCM cần được ưu tiên triển khai nhanh nhất và sớm nhất. Tốc độ của các dự án này ngày càng quan trọng trong bối cảnh, thế giới đang thay đổi rất nhanh, tính cạnh tranh ngày càng cao.
Có thể hiểu rằng để TPHCM vươn tầm thế giới, địa phương này còn quá nhiều việc lớn cần làm, trong đó có những việc vượt qua thẩm quyền, khả năng của mình. Theo ông, đâu là những bệ đỡ cần thiết cho cuộc chuyển mình của TPHCM?
- Chưa nói đến cả một hệ nhiệm vụ phức tạp và khó khăn chưa từng thấy đặt ra, chỉ riêng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đã là một phần việc đầy thách thức cho TPHCM và cho cả một nền kinh tế thực lực còn chưa mạnh.
Nó đặt ra hàng loạt vấn đề với tính "bất khả thi" không hề thấp. Đó là xây dựng Trung tâm tài chính theo mô hình nào - truyền thống hay hiện đại; làm sao để phát triển nhanh các thị trường tài chính còn sơ khai và non trẻ; xây dựng hệ thống quản trị tài chính hiện đại; lựa chọn đúng đối tác; cơ chế ưu đãi đầu tư; chính sách đất đai; an toàn hệ thống; thiết định luật chơi hiện đại cho hàng triệu doanh nghiệp "nhỏ và siêu nhỏ" của Việt Nam, lôi kéo các nhà đầu tư quốc tế…
Những nhiệm vụ khó khăn đó chỉ có thể được giải quyết bằng nỗ lực đồng hành - phối hợp với quyết tâm cao nhất từ cả hai phía Trung ương và TPHCM.
Những điều TPHCM cần là có thêm nguồn lực, có thêm cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất, thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, TPHCM và vùng TPHCM cần có các tuyến giao thông kết nối thuận lợi, ít nhất phải bằng hoặc vượt trước so với hạ tầng giao thông tại phía Bắc.
Ngoài ra, vùng TPHCM cần thêm một trung tâm hội chợ quốc tế đúng tầm cỡ, gắn với đó là cả hệ thống trung tâm logistics phục vụ luân chuyển hàng hóa. Các cấu phần này kết nối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Long Thành trong tương lai sẽ làm TPHCM dần hoàn thiện chân dung của một trung tâm hội nhập quốc tế đẳng cấp cao, có sự cạnh tranh rất mạnh.
Các chính sách mới cho TPHCM có thể tính toán việc để địa phương chủ động lập quỹ đầu tư, quỹ tài chính của mình. Các quỹ này được sử dụng như vốn mồi, tăng sự hấp dẫn đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài địa phương hoặc bên ngoài đất nước.
Khi có sự đồng hành của cả nước, tôi tin TPHCM sẽ vượt qua hàng loạt thách thức vừa nhắc tới. Khi thời vận đến, bằng nội lực mạnh mẽ, tính năng động sáng tạo, khát vọng phát triển, TPHCM sẽ thể hiện và khẳng định rõ vai trò dẫn dắt nền kinh tế của cả nước, đưa các địa phương khác cùng vươn lên.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Q.Huy
Ảnh: Hải Long, H.G
Mời quý độc giả đón đọc tuyến bài:
Bài 1: Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế?
Bài 2: "Thay vì loay hoay đợi cơ chế, TPHCM cần làm ra tấm ra món những gì đã có"
Bài 3: Đóng góp GDP không chỉ dựa mỗi vào sản xuất, ngân hàng, bất động sản