1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM nên trở thành chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách

Q.Huy

(Dân trí) - TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, TPHCM cần tiếp cận khái niệm chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách (sandbox).

TPHCM trở thành chiếc hộp thử nghiệm chính sách (sandbox) là hình ảnh được một số chuyên gia, nhà khoa học cùng chung góc nhìn tại buổi tọa đàm liên quan tới nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM diễn ra ngày 30/3. Hiện tại, đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại thành công.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, trong thời đại hiện nay, mọi quốc gia đều cần những sự thử nghiệm về cơ chế, chính sách chứ không thể giữ hệ thống pháp luật "bó cứng". Để làm được điều đó, khái niệm chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách là điều cần tiếp cận.

Để TPHCM là nơi thử nghiệm chính sách

TS Nguyễn Sĩ Dũng đề cập tới 2 cách tiếp cận của TPHCM đối với khái niệm hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách. Cách đầu tiên là coi toàn bộ TPHCM là một chiếc hộp thử nghiệm, đây là phương án khó bởi các lĩnh vực, không gian, thời gian sẽ rất rộng chứ không có giới hạn.

TPHCM nên trở thành chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách - 1

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Q.Huy).

Cách tiếp cận thứ 2 là coi từng lĩnh vực cụ thể là một chiếc hộp thử nghiệm. Ông Dũng lấy ví dụ như việc hình thành TP Thủ Đức là một chiếc hộp thử nghiệm chính sách đối với lĩnh vực chính quyền đô thị, việc hình thành Trung tâm tài chính là một hộp thử nghiệm trong lĩnh vực kinh tế.

"Tôi nghiêng về cách tiếp cận thứ 2 hơn. Khi mình thử nghiệm một lúc rất nhiều thử thì sẽ tương đối khó khăn về nguồn lực, thời gian, chính sách", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ.

TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, đồng tình với việc áp dụng khái niệm hộp thử nghiệm chính sách đối với thành phố. Hiện tại, địa phương này đủ tiềm năng, nguồn lực để thực hiện các thử nghiệm. Những sự thử nghiệm này cần trao quyền nhiều hơn, giúp TPHCM tìm ra các nhân tố để phát triển tương xứng với vị thế và kỳ vọng.

"Nghị quyết mới cho TPHCM cần chú trọng đến việc trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn. Khi đó, lãnh đạo thành phố sẽ có trách nhiệm hơn và các sở, ngành sẽ có thêm động lực để phụng sự người dân hơn", ông Nguyễn Trọng Hoài góp ý.

TPHCM nên trở thành chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách - 2

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright (Ảnh: Q.Huy).

Đưa góc nhìn khác về khái niệm hộp thử nghiệm chính sách, TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, cho rằng, tất cả chính sách của Việt Nam đang được thí điểm đều có thể coi là sandbox. Thay vào đó, vị chuyên gia quan tâm tới đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được đề cập tới trong dự thảo nghị quyết mới.

"Mô hình này là một chính sách đặc biệt cho các dự án độc lập, giúp tạo quỹ đất, thu hồi giá trị từ quỹ đất đó để phục vụ nhu cầu giao thông công cộng", chuyên gia góp ý.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo nghị quyết, TPHCM mới đề xuất áp dụng mô hình TOD đối với 3 dự án gồm tuyến Metro số 1, Metro số 2 và đường vành đai 3. Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, mô hình TOD cần được áp dụng cho tất cả dự án metro và các dự án giao thông đô thị, dự án giao thông liên kết vùng được triển khai thời gian tới.

Bản chất của bản nghị quyết mới

Phát biểu cuối cùng tại buổi tọa đàm, TS Trần Du Lịch chia sẻ, để có được bản dự thảo nghị quyết hiện tại, lãnh đạo TPHCM đã có sự đeo bám quyết liệt đối với các bộ, ngành Trung ương. Sau khi tổng kết Nghị quyết 54, nhóm chuẩn bị cho bản nghị quyết mới đặt ra yêu cầu về việc hình thành những chính sách tạo động lực.

Về bản chất, bản nghị quyết mới sẽ tập trung vào 2 nhóm nội dung là cơ chế tập trung phân cấp, phân quyền và tạo động lực, huy động nguồn lực ngân sách, nhà đầu tư, đội ngũ khoa học kỹ thuật.

TPHCM nên trở thành chiếc hộp thử nghiệm cơ chế, chính sách - 3

TS Trần Du Lịch tham dự buổi tọa đàm (Ảnh: Q.Huy).

"Về mức độ của các chính sách, lúc đầu thành phố cũng đề xuất nhiều vấn đề mạnh lắm. Nhưng khi rà soát lại, làm việc với các bộ, ngành thì còn nhiều ý kiến. Khi Quốc hội thông qua bản dự thảo hiện tại, dù chưa giải quyết được căn bản mọi chuyện, nhưng TPHCM sẽ thể hiện được vai trò đầu tàu dẫn dắt của mình", TS Trần Du Lịch nhìn nhận.

Cuối năm 2022, Quốc hội đã thực hiện tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 đến ngày 31/12 năm nay. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND TPHCM, các bộ, ngành phối hợp xây dựng nghị quyết mới.

Theo kế hoạch dự kiến, giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp, cho ý kiến bổ sung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 này, bản nghị quyết sẽ được xem xét, thông qua.

Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5, theo đề xuất của Chính phủ. Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Chính phủ đề xuất 7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM.