Vì sao TPHCM tiếp cận cơ chế vượt trội thay vì đặc thù?

Q.Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Nghị quyết 54 trước đây tập trung vào khai thác các nguồn thu cho địa phương. Bản Nghị quyết mới sẽ đặt trọng tâm vào việc huy động nguồn lực.

Sáng 30/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức buổi tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội.

Phát biểu mở đầu sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, chia sẻ, Nghị quyết 54 đang tập trung khai thác các nguồn thu cho địa phương, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của TPHCM thời điểm bản nghị quyết được ban hành. Nghị quyết mới sẽ không còn đặt nặng, đặt trọng tâm về vấn đề này mà để xuất thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng.

Vì sao TPHCM tiếp cận cơ chế vượt trội thay vì đặc thù? - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh Q.Huy).

Người đứng đầu chính quyền TPHCM phân tích, nghị quyết mới hướng đến mục tiêu giúp địa phương gỡ những vấn đề chưa có trong quy định pháp luật, hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ giúp thành phố khai phá các nguồn lực, huy động nguồn lực để thành phố thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

"Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cho thành phố phải là cực tăng trưởng đầu tàu, là trung tâm của nhiều mặt. TPHCM cần là địa phương có năng lực hội nhập, cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Phan Văn Mãi thông tin.

Chủ tịch UBND TPHCM, nói thêm, bản nghị quyết mới được thành phố xây dựng dựa trên các vấn đề thực tiễn, từ góc nhìn của các cơ quan Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, việc hình thành cơ chế, chính sách mang tính đột phá, vượt trội, đáp ứng được các vấn đề của TPHCM là rất cần thiết.

Vì sao TPHCM tiếp cận cơ chế vượt trội thay vì đặc thù? - 2

Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: Q.Huy).

"Chúng tôi không gọi đây là cơ chế đặc thù nữa, mà là cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội phát triển TPHCM. Trong bản dự thảo, chúng tôi tập trung nhiều hơn để có các cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho TPHCM giải quyết vấn đề nhanh hơn", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Lãnh đạo TPHCM cho hay, cuối năm 2022, Quốc hội đã thực hiện tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 đến ngày 31/12 năm nay. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND TPHCM, các bộ, ngành phối hợp xây dựng nghị quyết mới.

Theo kế hoạch dự kiến, giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp, cho ý kiến bổ sung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 này, bản nghị quyết sẽ được xem xét, thông qua.

"Nghị quyết 54 trước đây từng được kỳ vọng lớn, nhưng khi được thông qua thì kết quả thực hiện chưa như mong muốn, đó là điều cần rút kinh nghiệm. Lần này, thành phố sẽ chuẩn bị trước để thực hiện các công việc cụ thể hóa nghị quyết ngay khi Quốc hội thông qua", ông Phan Văn Mãi khẳng định.