1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bất hợp lý 350 tỷ đồng tiền xét nghiệm nồng độ cồn, ai chịu trách nhiệm?

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe xin cấp bằng lái xe gây bất hợp lý khoảng 350 tỷ đồng, Bộ Y tế đã bỏ quy định này.

Kết luận thanh tra số 362 KL-TTCP về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ GTVT được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây đã làm rõ những bất cập tại Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Thanh tra cho rằng việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân.

Bất hợp lý 350 tỷ đồng tiền xét nghiệm nồng độ cồn, ai chịu trách nhiệm? - 1

Lấy máu xét nghiệm nồng độ cồn (Ảnh: Suckhoe123).

Chỉ tính từ ngày 1/1/2021 đến 1/1/2023, toàn ngành giao thông cấp gần 10 triệu giấy phép lái xe các loại. Do đó, theo thanh tra, chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe gây bất hợp lý khoảng 350 tỷ đồng (đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm).

Thực hiện kiến nghị của thanh tra, mới đây Bộ Y tế ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn, quy trình khám sức khỏe lái xe (có hiệu lực từ 1/1/2025) thay thế Thông tư liên tịch số 24/2015.

Theo thông tư mới, việc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe không còn là quy định bắt buộc, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng Bộ Y tế đã cầu thị khi bỏ quy định nêu trên. Theo ông, quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe nêu tại Thông tư số 24/2015 tồn tại hơn 9 năm là quá bất hợp lý.

"Đó có thể coi là một ví dụ điển hình của việc xây dựng, ban hành văn bản có quy định không có lợi cho người dân, gây lãng phí số tiền rất lớn nhưng lại tồn tại thời gian rất dài. Còn trách nhiệm của những người xây dựng, ban hành văn bản đó vẫn như "tảng băng". Có ai chịu trách nhiệm đâu", ông Sơn phân tích.

Bất hợp lý 350 tỷ đồng tiền xét nghiệm nồng độ cồn, ai chịu trách nhiệm? - 2

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Ảnh: Phùng Minh).

Ông Sơn đánh giá câu chuyện lãng phí trong xét nghiệm nồng độ cồn nêu trên chỉ như "một hạt cát", bởi còn rất nhiều bất cập, cài cắm lợi ích trong các chính sách được đưa ra khi xây dựng, ban hành. Đáng lo hơn khi còn thiếu những tiếng nói phản biện mạnh mẽ, dám thẳng thắn chỉ ra quy định, chính sách "không chuẩn" kịp thời.

Mới đây trong bài viết "Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh đến việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ việc kiên quyết thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật.

"Dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", thực hiện tốt nguyên tắc "công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm", Bộ trưởng Tư pháp nêu.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp cho rằng chính sách phải cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung, tránh việc nhầm lẫn giữa chính sách của Nhà nước và chủ trương của Đảng; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), thông tin, đơn vị đang xây dựng Đề án ứng dụng nền tảng số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp. 

Đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật gắn với mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.

Trong đó, theo ông Huy, sẽ xây dựng và tích hợp hệ thống chính sách - ứng dụng nền tảng số trong tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát văn bản.

Khó xử lý cán bộ xây dựng, ban hành văn bản trái luật

Thống kê mới đây của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho thấy vẫn còn văn bản có hiệu lực một thời gian khá dài mới được kiểm tra, phát hiện nội dung trái pháp luật.

Khoản 2 điều 134 Nghị định 34/2016 của Chính phủ đã quy định về xem xét trách nhiệm khi ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.

Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, quy định đó vẫn chung chung, mang tính chất nguyên tắc nên gây vướng mắc khi áp dụng. Ngoài ra, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cũng chưa có quy định cụ thể để xác định hậu quả, cơ quan thực hiện, nguồn lực để bảo đảm thực hiện, trình tự, thủ tục thực hiện khắc phục hậu quả....