1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quy định mới về khám sức khỏe với người lái xe

Nam Phương

(Dân trí) - Theo thông tư mới, người khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ ma túy, không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100%.

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô…

Trong đó, bên cạnh điểm mới về phân nhóm, thông tư cũng quy định về xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn.

Cụ thể, trường hợp khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ ma túy (xét nghiệm 5 loại ma túy, thông tư cũ là 4 loại). Đồng thời, không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100%. Việc xét nghiệm nồng độ cồn khi có chỉ định của bác sĩ khi nghi ngờ.

Với người hành nghề lái xe ô tô khi khám sức khỏe định kỳ bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy (5 loại ma túy, thông tư cũ 4 loại).

Giấy khám sức khỏe cũng sẽ có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận, trong khi thông tư cũ là 6 tháng.

Quy định mới về khám sức khỏe với người lái xe - 1

Về tiêu chuẩn các chuyên khoa, thông tư mới cơ bản giữ nguyên thông tư cũ, trong đó bỏ khám thai sản vì ít liên quan sức khỏe lái xe.

Bên cạnh đó, thông tư cũng có nội dung quy định về cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Cụ thể, cấu trúc dữ liệu kết quả khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng gồm các thông tin sau:

- Phần Hành chính: Các thông tin theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe; ngày khám sức khỏe.

- Kết quả xét nghiệm ma túy.

- Kết luận về tình trạng sức khỏe.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.