1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bất đồng phương án trục vớt, Trường Hải Star vẫn “ngủ” dưới đáy biển

(Dân trí) - Nên hút dầu trước khi trục vớt tàu hay trục vớt tàu rồi mới hút dầu? Nhiều phương án và ý kiến trái chiều nhau đã khiến buổi họp của các bên liên quan trong vụ chìm tàu Trường Hải Star biến thành cuộc tranh luận nảy lửa.

Hiện tàu Trường Hải Star đã thả hai neo phía mũi, tàu chìm nghiêng 90 độ dưới độ sâu khoảng 16m so với mặt nước biển. Nhiên liệu còn lại trên tàu khoảng 40 tấn dầu FO và 10 tấn dầu DO. Trái với dự kiến của ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu về việc ngày 13/4 sẽ tiến hành chiến dịch trục vớt tàu Trường Hải Star, đến hôm nay phương án trục vớt tàu vẫn chưa được thông qua vì những bất đồng trong việc giải cứu.

Yêu cầu đặt ra là trong quá trình trục vớt tàu phải đảm bảo không để xảy ra sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời giữ an toàn cho tài sản được trục vớt. Ngày 13/4 hai đơn vị đăng ký tham gia trục vớt tàu Trường Hải Star gồm Công ty TNHH MTV trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL) trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai đã trình phương án trục vớt tàu lên Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu.
 
Bất đồng phương án trục vớt, Trường Hải Star vẫn “ngủ” dưới đáy biển
Nhiều ý kiến tranh luận "nảy lửa" về các phương án trục vớt tàu

Theo kế hoạch trục vớt của VISAL, để hạn chế đến mức tối thiểu sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường, công ty này sẽ tiến hành hút dầu thông qua hệ thống ống công nghệ của tàu. Nếu phương án trên không khả thi sẽ phải tiến hành khoan 2 lỗ trên thân tàu, một lỗ để bắt đường ống hút và một lỗ khác đưa nước vào đổi dầu. Quy trình trên sẽ được thực hiện trước khi cẩu các container còn lại và tiến hành trục vớt xác tàu.

Tuy nhiên, phương án này đã bị phía Cảng vụ Hàng hải chất vấn gay gắt vì cho rằng việc khoan vỏ tàu để hút dầu sẽ không thể tránh khỏi sự cố tràn dầu ra môi trường, khi đó hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng; bởi thực tế chỉ thu hồi được khoảng khoảng 40 đến 50% lượng dầu tràn. “Tàu đang nằm nghiêng 90 độ nên khó có thể đặt hệ thống bơm hút trong khoang chứa dầu. Mặt khác phương pháp “bơm nước vào đổi dầu” sẽ không thể thực hiện được với 40 tấn dầu FO bởi khi gặp nước, loại dầu này sẽ cô đặc lại”. Phía Cảng vụ yêu cầu Công ty VISAL thay đổi phương án bơm nước bằng phương án đưa khí vào trong quá trình hút dầu và cần khảo sát kỹ vị trí khoang dầu nếu phương án này được phê duyệt.

Công ty Sao Mai lại đưa ra một kế hoạch trục vớt đối lập với VISAL. Công ty này sẽ trục vớt các container trong hầm hàng trên tàu, sau đó trục vớt xác tàu rồi mới tiến hành hút dầu. Nếu phương án này được thực hiện thành công, sẽ không xảy ra sự cố tràn dầu. Nhưng nếu gặp các vấn đề trong quá trình trục vớt như xác tàu bị xé hoặc gãy do không chịu nổi lực nâng của dây cáp, khoang chứa dầu sẽ bị vỡ, lúc này toàn bộ số dầu còn lại trên tàu sẽ tràn ra môi trường, để lại hậu quả sẽ khôn lường.
 
Bất đồng phương án trục vớt, Trường Hải Star vẫn “ngủ” dưới đáy biển
Sự cố chìm tàu đang đe dọa nghiêm trọng an toàn môi trường biển 

Ngoài vấn đề trọng tâm gây tranh cãi nói trên, các công ty đăng ký trục vớt chưa khảo sát và dự báo chi tiết tình hình khí tượng thủy văn trong thời gian diễn ra quá trình trục vớt, việc dự báo hiện tại của cả hai đơn vị mới chỉ mang tính chung chung theo mùa. Ông Lê Văn Chiến nhấn mạnh: “Việc trục vớt tàu chỉ được tiến hành vào thời điểm nước lớn hoặc nước ròng để sự cố tràn dầu nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng lớn đến môi trường biển”.

Ông Nguyễn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Vũng Tàu cho biết: “Các vụ chìm tàu dẫn đến sự cố tràn dầu đã xảy ra trước đây thường để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dầu tràn vào các bãi tắm gây ảnh hưởng đến ngành du lịch, dầu xâm nhập vào khu vực nuôi trồng thủy sản khiến tôm cá chết hàng loạt. Chúng tôi hy vọng sẽ có một phương án hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả từ sự cố chìm tàu lần này”.

Đã 4 ngày trôi qua kể từ khi tàu Trưởng Hải Star chìm dưới đáy biển nhưng phương án trục vớt vẫn chưa được thống nhất. Ông Lê Văn Chiến cho biết Cảng vụ Hàng hải sẽ xin ý kiến của UBND thành phố Vũng Tàu trước khi phê duyệt phương án trục vớt mang tính hiệu quả nhất.

Vân Sơn - Tùng Nguyên