Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi | Báo Dân trí

Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Thế Kha

(Dân trí) - Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ hôm nay 3/1 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Theo Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ hôm nay 3/1 và sẽ kết thúc vào ngày 15/3.

Đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - 1

Tình trạng tách thửa nhằm mục đích phân lô bán nền diễn ra rầm rộ ở các huyện ven trung tâm Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghị quyết này.

Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ 3 hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.

Tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.

Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.

"Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", nghị quyết nêu rõ.