Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần tránh hình thức, hiệu quả thấp, đóng góp không được nhiều.

Chiều nay (13/12), tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai - 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động lớn

Trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai; tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân...

Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai - 2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn).

Việc tổ chức lấy ý kiến thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học và các hình thức khác phù hợp. Thời gian từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 28/2/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Liên quan đến đối tượng lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bao gồm "các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, làm rõ việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, "nhân dân" ở đây được hiểu "nội hàm" như thế nào? Cần nói rõ đối tượng lấy ý kiến.

"Cách thức lấy ý kiến như thế nào, phải làm sao cho thực chất và có hiệu quả. Tránh việc lấy ý kiến hình thức, hiệu quả thấp, đóng góp không được nhiều. Tôi nói ngay trong quy trình xây dựng văn bản đăng tải trên cổng thông tin điện tử, đôi khi đọc lướt qua thì rất êm, không vấn đề gì; nhưng khi ban hành rồi, tổ chức thực hiện thì mới giật mình hóa ra là thế này, hóa ra thế kia.

Ví dụ, tại 63 tỉnh, thành phố, phải phân công người hiểu biết nêu ra vấn đề, giải thích dự thảo luật này đang vướng mắc thế nào, tác động đến những đối tượng nào... như thế nhân dân mới hiểu và cho ý kiến sát được", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, trong quá trình lấy ý kiến thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội như thế nào…

Ông Huệ lưu ý, các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà cần có sự chủ động, tham gia cùng và phát huy vai trò giám sát.

Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai - 4

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Chốt thời gian lấy ý kiến

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ băn khoăn vì đây là Luật lớn, nhiều vấn đề phức tạp, xin ý kiến rộng rãi cần phải tính thêm vì thời gian lấy ý kiến trùng vào dịp Tết cổ truyền.

Nếu không có cách làm rốt ráo và có phương pháp tốt thì sẽ mang tính hình thức. Ông Lê Quang Huy đề nghị cần có cách làm, phương án cụ thể để triển khai lấy ý kiến và nên kéo dài thời gian như trong Tờ trình đến ngày 15/3/2023, thậm chí kéo dài hơn, để đủ thời lượng nghiên cứu và thẩm thấu dự án Luật sao cho thấu đáo.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: "Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo tinh thần Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp. Qua đó cụ thể hóa bằng kế hoạch của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)".

Tránh hình thức khi lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai - 5

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

"Để tránh trùng với các thời gian nghỉ Tết âm lịch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả qua việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, thống nhất thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận.