1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bất cập đô thị Việt Nam: "Cái giá" của sự vội vã

(Dân trí) - Đô thị Việt Nam đã phát triển mới quy mô lớn, bộ mặt kiến trúc đô thị bắt đầu khởi sắc nhưng trong sự phát triển vội vã, ồ ạt này cũng thể hiện không ít bất cập về quy hoạch cũng như gây tác động xấu tới môi trường.

Ách tắc giao thông - sai lầm từ quy hoạch

15 năm phát triển đô thị, không chỉ số lượng nhà ở tăng mạnh mà nhiều công trình văn hoá - xã hội cũng được đầu tư. Ở một số thành phố đã hình thành các khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, trong sự phát triển vội vã, ồ ạt ấy đã xuất hiện nhiều bất cập.

PGS. TS Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Như ở Đà Nẵng, Hạ Long... do đầu tư quá nhiều vào việc mở đường sá, chuẩn bị mặt bằng phát triển nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới (ĐTM) nên để đất đai bị hoang hoá kéo dài.

Ngược lại, ở Hà Nội thì cùng một thời điểm mở ra, giải quyết cho trên 200 chủ đầu tư xây dựng các khu ĐTM. Tuy nhiên ngoài khu ĐTM làng quốc tế Thăng Long ở Cầu Giấy, đến nay chưa có khu ĐTM nào hoàn thành dứt điểm đồng bộ. Tình trạng này khiến cả thành phố đâu cũng là công trường xây dựng.

Theo các chuyên gia quy hoạch nhận định, đó là do các chủ đầu tư kinh doanh các khu ĐTM này không phải là chủ đầu tư có vốn đích thực. Mặt khác, các chủ đầu tư quá vì mục đích lợi nhuận trước mắt nên chỉ xây dựng nhà ở để bán mà ít quan tâm đến các công trình công cộng, dịch vụ như: y tế, giáo dục…

Quy hoạch mạng lưới đường phố cũng không hợp lý. Như ở Hà Nội, trừ khu phố cũ ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, các quận mới quy hoạch mạng lưới đường phố chưa khoa học. Cụ thể là chưa có nhiều tuyến đường song song nối trực tiếp từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nội thành ra ngoại thành, phần lớn đường giao thông đối ngoại của Hà Nội là độc đạo (như QL5, QL1, QL6, QL32…).

Mặt khác, do sai lầm của quy hoạch, sai lầm của quản lý không đầu tư mở mang đường phố nên đã xác định mặt cắt đường phố quá hẹp. Điển hình như đường Nguyễn Văn Cừ, đường Chùa Bộc, Cầu Giấy - Xuân Thuỷ, đường Phạm Văn Đồng… từ đó gây ách tắc giao thông.

Phát triển đô thị hiện nay cũng còn quá nhiều bất cập khác như quy hoạch không tốt, không kịp thời, tình trạng xây dựng không phép ở TPHCM, nhà siêu mỏng ở Hà Nội, lấn chiếm đất công, khu nhà “ổ chuột” phát triển và không có quy hoạch...

Môi trường đe dọa sức khỏe người dân

Ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn lớn, môi trường (đất, nước, không khí...) luôn là một vấn đề đe dọa tới cuộc sống của người dân. Hiện nay, người dân đang phải chung sống với một môi trường ô nhiễm ở tất cả các phương diện do nhiều nguyên nhân.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số và phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông lại chậm đã gây áp lực rất lớn về môi trường đô thị. Số liệu thống kê cho thấy, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35 - 40% so với nhu cầu cần thiết.

Theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội môi trường xây dựng Việt Nam, hệ thống cấp thoát nước ở Hà Nội nói chung và ở nhiều khu đô thị nói riêng đều là chắp vá giữa khu cũ và khu mới, giữa lạc hậu và hiện đại... khiến chất lượng không đảm bảo vệ sinh.

100% nước thải đô thị chỉ xử lý sơ bộ rồi thải thẳng vào sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt. Hệ thống thoát nước yếu kém, diện tích ao hồ bị thu hẹp khiến nhiều đô thị trong vùng thường xảy ra tình trạng úng ngập. Chưa hết hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn mới chỉ đạt khoảng 70% nhu cầu. 

Một yếu tố gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị trầm trọng nữa phải kể đến là việc đô thị hóa và mở rộng đô thị đã làm cho nhiều nhà máy và các khu công nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thành phố, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

PGS. TS Lê Hồng Kế (Trung tâm bảo vệ môi trường và quy hoạch bền vững) cho rằng: “Phát triển bền vững đang là mục tiêu chiến lược cho toàn cầu, trong đó khái niệm phát triển đô thị bền vững có thể được hiểu là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị”.

Như vậy thì ít nhất có 3 trong số 5 yếu tố đó đang bất cập trong các khu đô thị ở Việt Nam. Và để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng một thiết chế mang tính pháp lý cao để điều hành công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị hướng tới phát triển bền vững khi chưa quá muộn.

Lan Hương