Thủ tướng: Ninh Thuận lấy kinh tế biển làm động lực phát triển
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Ninh Thuận cần tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm động lực phát triển.
Ngày 28/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với chủ đề "Ninh Thuận - Vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung và hơn 300 nhà đầu tư tham dự.
Ninh Thuận có thế mạnh phát triển logistics và năng lượng
Mở đầu hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, tỉnh Ninh Thuận là cửa ngõ vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nơi đây có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết mục tiêu đến năm 2030, về kinh tế, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng.
Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Quy hoạch cũng tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng. Tỉnh xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và Trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước.
Tập trung phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua đã vươn lên, tiến kịp, đi cùng với cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho rằng nếu chưa có quy hoạch sẽ chưa phát triển đúng đường, đúng hướng, chưa hiểu được thách thức, khó khăn, vướng mắc... Do đó, nước ta đang tập trung thực hiện các quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch quốc gia.
Theo Thủ tướng, với những tiềm năng, lợi thế của mình, với tư duy, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Ninh Thuận thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới. Cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó, ý chí cần cù, chăm chỉ, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Ninh Thuận, chắc chắn Ninh Thuận sẽ biến những khó khăn, thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tỉnh Ninh Thuận cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị.
Tỉnh Ninh Thuận cần đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực như dự án năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí LNG, thủy điện tích năng và hình thành, phát triển khu công nghiệp Cà Ná. Đặc biệt, tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm động lực phát triển.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh Ninh Thuận cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Ninh Thuận.
Ninh Thuận xúc tiến đầu tư 55 dự án trọng điểm
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án đến 14 nhà đầu tư. Tổng số vốn của các nhà đầu tư đăng ký khoảng 120.000 tỷ đồng.
Cùng với việc công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận cũng xúc tiến đầu tư 55 danh mục dự án thu hút vốn đầu tư trọng tâm.
Cụ thể, ở lĩnh vực thương mại dịch vụ với 18 dự án như: Cảng Cà Ná, Trung tâm logistics Cà Ná, kho xăng dầu Ninh Thuận, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy…
Lĩnh vực xây dựng, bất động sản có 14 dự án đô thị mới, khu dân cư. Lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án như điện khí hóa lỏng Cà Ná, thủy điện tích năng Phước Hòa, thủy điện Thượng Sông Ông 2, điện gió Đầm Nại 2, 3…
Lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo có 9 dự án tập trung vào hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5, dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối…
Lĩnh vực Nông nghiệp gồm 5 dự án, như dự án sản xuất vùng nông nghiệp công nghệ cao Phước Trung, dự án Nuôi biển công nghệ cao rộng 920ha, dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò…