Barack Obama yêu cầu nối lại chương trình con nuôi Việt - Mỹ
(Dân trí) - Theo những cáo buộc về việc Việt Nam có “công nghệ” buôn bán trẻ em từ phía Mỹ, 1/9 tới, Hiệp định hợp tác về con nuôi Việt - Mỹ sẽ chấm dứt hiệu lực. Cục con nuôi Quốc tế - Bộ tư pháp thì cho rằng vẫn còn “cửa” nối lại chương trình.
Hôm qua (22/8), Cục đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực thi hiệp định. Nhiều vấn đề về con nuôi có yếu tố nước ngoài đã được đặt ra.
“Mắc” từ hai phía
Sau 3 năm thực hiện hiệp định song phương hợp tác về con nuôi Việt Nam - Hoa Kỳ, báo cáo của Cục con nuôi Quốc tế cho biết, trong tổng số 69 tổ chức con nuôi nước ngoài được bộ Tư pháp cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì đã có 42 tổ chức là của Mỹ.
Tính đến tháng 7/2008 đã có 1.700 trẻ em có hoàn cảnh éo le đã tìm được mái ấm trong các gia đình Mỹ, hiện còn khoảng 200 hồ sơ đang được giải quyết trước ngày 1/9.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, hiệp định đã thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- Hoa Kỳ về nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực nhân đạo. Mặc dù vậy, giữa Việt Nam và Mỹ vẫn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế cho nhận con nuôi. Đỉnh điểm vướng mắc này là là tháng 2/2008, Mỹ đã quyết định không gia hạn hiệp định. Tiếp đó, tháng 4/2008, Việt Nam cũng ra quyết định thông báo không gia hạn hiệp định.
Việc hiệp định chấm dứt hiệu lực, theo ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục con nuôi Quốc tế - Bộ Tư pháp, là một thiệt thòi đáng kể cho người dân Mỹ khi hàng nghìn gia đình Mỹ đang có nhu cầu nhận con nuôi tại Việt Nam. Đã có trên 8.000 chữ ký và hàng trăm bức thư của các gia đình Mỹ đề nghị Hiệp hội các tổ chức con nuôi tiếp tục chương trình.
Một bản báo cáo từ đại sứ quán Mỹ dài 14 trang đã nêu ra nhiều thông tin cho rằng phía Việt Nam đã không thực hiện đúng cam kết và có nhiều hiện tượng tiêu cực trong hoạt động cho nhận con nuôi nước ngoài.
Cục Con nuôi Quốc tế khẳng định phía Mỹ đã đưa ra nhiều thông tin không chính xác, bóp méo sự thật.
Theo ông Long, một số tổ chức con nuôi đến Việt Nam tự phát, không có sự quản lý của một cơ quan thống nhất, nên rất khó sàng lọc được tổ chức nào tốt hay không tốt…Việc dùng tiền mặt, cơ chế tài chính mềm dẻo và khó kiểm soát về mặt hoạt động của các tổ chức con nuôi Mỹ cùng với cơ chế quản lý tài chính lỏng lẻo của các địa phương ở Việt Nam đã tạo ra lỗ hổng lớn. Đó là sự móc ngoặc, thông đồng giữa các tổ chức con nuôi và cơ sở nuôi dưỡng trẻ để tham nhũng, trục lợi vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan công quyền, bóp méo tính nhân đạo trong việc cho và nhận con nuôi. Điển hình là một số vụ tiêu cực xảy ra gần đây ở Nam Định, Hoà Bình, Ninh Bình, Đồng Tháp.
Ứng viên tổng thống yêu cầu nối lại chương trình
Việc hiệp định con nuôi không gia hạn đã gây ra nhiều phản ứng trong lòng nước Mỹ, ngoài những lời thỉnh cầu chân thành của các gia đình Mỹ, đặc biệt, mới đây nhất, đã có 134 thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ, trong đó có nhiều người có địa vị, uy tín về chính trị, kinh tế tại Mỹ như ứng cử viên Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Hillary Clinton… đã đồng loạt ký vào một văn bản yêu cầu nối lại chương trình con nuôi tại Việt Nam.
Trong tuyên bố chung giữa Việt Nam - Mỹ vào tháng 6/2008 nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ cũng nêu rõ, Tổng thống Mỹ Bush bày tỏ cam kết tiếp tục phát triển sự hợp tác về con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, phòng chống nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh và chia sẻ với Tổng thống Mỹ về việc này.
Ông Vũ Đức Long cho biết, Việt Nam đang xem xét khả năng nối lại chương trình hợp tác con nuôi với nhiều thiện chí. Hiện, các bên đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. Cả hai bên, Việt Nam và Mỹ cần phải ngồi lại để thống nhất cũng như rút kinh nghiệm về một số vấn đề.
P.Thảo