1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC"

Ngọc Tân

(Dân trí) - KTS Trần Ngọc Chính đề xuất: "Cần quy định rõ bảo vệ chung cư phải là những người to, khỏe và hiểu về PCCC để lúc có sự cố họ có thể xử lý được".

Trong cuộc tọa đàm về chủ đề hỏa hoạn tại chung cư mini do Báo Dân trí tổ chức sáng 19/9, các chuyên gia đã phân tích, bàn luận sâu về sự tồn tại của loại hình nhà ở "chung cư mini".

Trong đó, quan điểm đồng nhất là cần dừng hoạt động các chung cư nằm trong đất xen kẹt, khó tiếp cận để cứu hỏa. Đồng thời, cần cải tạo, bổ sung biện pháp phòng cháy chữa cháy tại các chung cư đủ điều kiện.

Sự "nâng cấp" từ nhà trọ tồi tàn

Theo KTS Trần Ngọc Chính, loại hình chung cư mini nở rộ tại Hà Nội và TPHCM trong hơn 10 năm nay do nhu cầu về nhà ở cho sinh viên, người lao động, người có thu nhập trung bình.

Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC - 1

Không gian sinh hoạt bên trong một chung cư mini tại Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Tại 2 đô thị lớn này, những người chưa có điều kiện mua nhà như người trẻ mới đi làm, công nhân, học sinh, sinh viên phần lớn đều ở trọ.

Ông Chính cho biết điều kiện sống trong các xóm trọ thường tồi tàn, ẩm thấp, nhu cầu cơ bản như khép kín cũng không đảm bảo, mọi sinh hoạt đều dùng chung.

Mong muốn được ăn ở, sinh hoạt "khép kín" (tất cả công trình phụ, bếp... đều nằm trong một căn hộ) chính là nguyên nhân khiến nhiều người ở trọ đã chuyển sang chung cư mini và coi đây như một sự "nâng đời".

Đặc biệt, với những người trẻ mới lập gia đình nhưng chưa đủ điều kiện mua chung cư hiện đại, một căn chung cư mini là giải pháp tình thế để có không gian sinh hoạt gia đình, tái tạo cuộc sống và duy trì nếp văn hóa.

"Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều chủ đầu tư đã xây dựng nhà ở giá thấp trên nền đất chỉ có diện tích 100-200m2. Họ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ rồi xin xây thêm nhiều tầng để bán. Đó tạm gọi là chung cư mini", ông Trần Ngọc Chính phân tích.

Chuyên gia cho biết các căn hộ này thường có diện tích chỉ 30-50m2 và được bán với giá 600 triệu đến 1 tỷ đồng (rẻ hơn nhiều so với căn hộ chung cư truyền thống).

KTS Trần Ngọc Chính gọi đây là sự "biến tướng" nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini.

"Người dân có thể sẽ cảm ơn các chủ đầu tư vì mua được nhà vừa túi tiền, nhà quản lý cũng cảm thấy giải quyết được một phần nhu cầu nhà ở của thành phố. Nhưng họ đều quên đi một điều rất quan trọng là an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy", KTS nhận định.

Chung cư mini trong đất xen kẹt và rủi ro hỏa hoạn

Tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an, cho biết căn chung cư mini bị cháy tại Khương Đình được xây trong ngõ rất hẹp. Phương tiện xe chữa cháy phải đỗ cách công trình khoảng 300m.

"Với khoảng cách như vậy, thời gian chúng tôi triển khai các phương tiện đưa chất chữa cháy như nước, bọt… tiếp cận hiện trường sẽ mất nhiều thời gian", Đại tá Khương chia sẻ.

Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC - 2

Tòa chung cư mini bị cháy ở phường Khương Đình nằm trong đất xen kẹt, xe cứu hỏa không thể tiếp cận (Ảnh: Ngọc Tân).

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết dạng công trình chung cư mini có nơi để xe dưới tầng 1. Khi bãi để xe cháy, luồng khói và lửa sẽ cuốn vào khu vực cầu thang hở rồi đi lên các tầng phía trên, sức nóng vô cùng khủng khiếp.

Đồng quan điểm với Đại tá Khương, KTS Trần Ngọc Chính nhận định chung cư mini thường nằm trong khu xen kẹt. Rất ít chung cư mini xe cứu hỏa có thể vào tận nơi. Do đó, nếu các chung cư mini xảy ra cháy nổ sẽ rất khó cứu nạn.

Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC - 3

Chung cư mini thường được xây trong đất xen kẹt, gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa khi xảy ra cháy (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Chính dẫn chứng ở một số khu công nghiệp tại TPHCM, người dân cũng xây chung cư mini để cho công nhân thuê nhưng họ có chia lô, chia thửa tại nơi đường sá rộng rãi nên đi lại dễ dàng và dễ xử lý khi có hỏa hoạn.

Với khu vực nội thành Hà Nội, mật độ dân số vốn đã cao, khi xây dựng chung cư mini thì mật độ càng cao. KTS Trần Ngọc Chính khẳng định mật độ đô thị tăng quá cao ảnh hưởng tới việc cấp điện, cấp nước, giao thông ách tắc và phá vỡ quy hoạch của thủ đô.

Giải pháp tình thế với chung cư mini

Sau vụ cháy thảm khốc xảy ra tại phường Khương Đình khiến 56 người thiệt mạng, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã tiến hành tổng kiểm tra loại hình nhà ở nhiều căn hộ, chung cư mini để đánh giá điều kiện an toàn PCCC.

Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC - 4

KTS Trần Ngọc Chính (Ảnh: Hữu Nghị)

Khi được hỏi về việc nên phá bỏ hay duy trì mô hình chung cư mini, KTS Trần Ngọc Chính cho biết chúng ta cần bình tĩnh để xem xét quyết định này.

Đối với những ngôi nhà quá cao tầng và nằm sâu trong khu xen kẹt, ông Chính khẳng định không nên tiếp tục cho tồn tại. Cơ quan quản lý sẽ phải có biện pháp dừng hoạt động những công trình này để làm sao không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, các chung cư còn có thể cải tạo được thì cần thiết kế lại theo hướng ưu tiên cho phòng cháy chữa cháy, đưa thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện đại vào ngôi nhà. "Cần quy định rõ bảo vệ chung cư phải là những người to, khỏe và hiểu về PCCC để lúc có sự cố họ có thể xử lý được", ông Chính đề xuất.

Bảo vệ chung cư phải là những người to khỏe và hiểu về PCCC - 5

Chung cư mini có thể được xem xét cho tồn tại nếu cải tạo thiết bị phòng cháy chữa cháy và có đường tiếp cận cho xe cứu hỏa (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Cùng chia sẻ về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, cho biết với hàng nghìn tòa chung cư mini đang tồn tại ở Hà Nội, chính quyền cần xem xét, nếu thiếu thì bổ sung, nếu vi phạm thì xử lý.

"Nếu cải tạo được, bổ sung được thì vẫn duy trì hoạt động công trình đó và nó sẽ trở nên an toàn hơn, đảm bảo an toàn cho chính người dân", ông Cường nói.

Với các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, luật sư đồng tình rằng sẽ không cho phép kinh doanh, bán căn hộ nữa mà chỉ cho phép sử dụng mục đích là nhà ở riêng lẻ, đúng với pháp lý của nhà nước công nhận cho công trình đó.

Khoảng trống pháp lý của "chung cư mini"

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết hiện pháp luật chưa định nghĩa cụ thể về khái niệm chung cư mini. Khung pháp lý về loại hình nhà ở này chưa hoàn thiện. Tuy luật chưa quy định cụ thể, loại hình chung cư mini đã tồn tại, với quy mô, diện tích phòng nhỏ hơn các tòa chung cư thông thường.

Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ đối với nhà ở là chung cư mini. Như vậy, khái niệm chung cư mini đã được nhắc đến ở văn bản dưới luật.

Văn bản này quy định những dạng nhà riêng lẻ xây dựng nhiều tầng, mà có thiết kế mỗi phòng riêng biệt, khép kín, diện tích tối thiểu 30m2, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn về an toàn PCCC, thì có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ.

Đây là một khái niệm tương đối là mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà có tính chất như các tòa chung cư nhưng quy mô nhỏ hơn về số tầng, diện tích phòng.

"Thực tế các tòa chung cư mini hiện nay chủ yếu là cho thuê ở trọ, hoặc mua bán dạng viết tay hoặc lập vi bằng chứ chưa có pháp lý thực sự rõ ràng, kể cả với quyền lợi mua, ở của người dân tại các tòa chung cư mini này", luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Dòng sự kiện: Vụ cháy chung cư mini

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm