1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bão Trà Mi rất phức tạp, 2 kịch bản xảy ra khi vào vùng biển nước ta

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Sức gió vùng gần tâm bão Trà Mi hồi 1h ngày 24/10 mạnh cấp 9-10 giật cấp 12; chuyên gia dự báo diễn biến cơn bão này rất phức tạp khi đi vào khu vực vùng biển nước ta.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 1h ngày 24/10, vị trí tâm bão Trami (tên tiếng Việt là Trà Mi), ở vào khoảng 17,2 độ vĩ Bắc; 122,4 độ kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Lu Dông, Philippines.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 12. Bão Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây, đến khoảng 1h ngày 25/10 bão đi vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 9 giật cấp 11 và hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông

Đến khoảng 1h ngày 26/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, cách quần đảo Hoàng Sa 510km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 10 giật cấp 12 và hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông

Bão Trà Mi rất phức tạp, 2 kịch bản xảy ra khi vào vùng biển nước ta - 1

Bão Trà Mi là cơn bão rất phức tạp (Ảnh: NCHMF).

Sau đó, bão Trà Mi tăng lên cấp 11-12 giật cấp 15 vào ngày 27/10 và hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa).

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, sau có khả năng đổi hướng Tây Nam và di chuyển chậm lại.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão sóng cao 5-7m; biển động rất mạnh.

Nhận định về cơn bão này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết dự báo bão sẽ đi vào khu vực Biển Đông của Việt Nam trong hôm nay và sẽ mạnh lên với vận tốc gió gần tâm bão khoảng 100km/h khi tiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 25 hoặc 26/10.

Cùng thời điểm này, phía cao nguyên Tây Tạng đang có không khí lạnh tràn về phía Nam, kèm theo khí áp cao lục địa.

Trong hôm nay, bão thoát khỏi khu vực đồi núi cao Lu Dông (Philippines) và sẽ mạnh lên nhưng đến 26/10 sẽ gặp không khí lạnh và khí áp cao từ phía Bắc tràn xuống nên sẽ có 2 kịch bản xảy ra.

Kịch bản thứ nhất là khi bão vào gần bờ vào ngày 27/10 sẽ giảm cấp gió xuống còn khoảng cấp 8-9 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ trong giai đoạn từ ngày 27 đến ngày 30/10.

Kịch bản thứ hai là khi bão vào gần bờ ngày 27/10 sẽ tương tác với không khí lạnh và bị khối khí áp cao áp đảo nên quay ra và yếu đi. Tuy nhiên sau khi quay ra và khối khí áp cao biến mất thì bão có thể tiếp tục đi vào bờ trong các ngày đầu của tháng 11.

Ông Huy cho rằng đây là một cơn bão xuất hiện khi có nhiều hình thái thời tiết diễn ra cùng lúc nên đường đi của bão sẽ rất phức tạp.