Bão số 5 áp sát vịnh Bắc bộ, bão số 6 đang vào biển Đông
(Dân trí) - Bão số 5 đã vào vịnh Bắc Bộ và chuẩn bị đổ bộ vào đất liền nước ta. Trong khi đó, lại có thêm một cơn bão mới hình thành ngoài đảo Luzon (Philippines) và có khả năng vào biển Đông từ 3/10. Tại Nam Bộ lũ lụt đang diễn biến phức tạp.
Khắp cả nước đang căng mình đối phó với thiên tai khi khi bão số 5 sắp đổ bộ đất liền, bão số 6 đang hình thành, di chuyển về phía nước ta và ở Nam Bộ lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp.
Vượt qua đảo Hải Nam, bão số 5 suy yếu một chút, còn cấp 11-12. Đến 7h sáng mai (30/9), tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 150 km. Dự báo nửa đêm nay, các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh gió giật cấp 5 - 6 và tăng lên cấp 11 - 12 vào sáng mai (30/9). Từ trưa hoặc chiều mai bão số 5 sẽ đổ bộ vào vùng ven bờ biển nước ta, gây ra mưa vừa đến rất to và kéo dài trong 3 ngày. Dự kiến, mưa sẽ diễn ra trên diện rộng, từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Đây là cơn bão đầu tiên trong năm không chỉ ảnh hưởng các tỉnh ven biển mà còn vào sâu đất liền.
Trong khi đó, cơn bão Nalgae vừa hình thành ngoài ngoài xa đảo Luzon (Philippines) có khả năng sẽ vào biển Đông vào ngày 3/10, cấp gió tới 12, 13.
Trưa 29/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp khẩn các lực lượng chức năng để bàn giải pháp ứng phó với tình hình hiện nay. Phó Thủ tướng nhận định, bão số 5 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp do khi đổ bộ có khả năng sẽ kết hợp triều cường, gió mùa đông bắc, kèm mưa lớn. Ngay sau đó lại có thêm cơn bão mới có khả năng sẽ đến sau vài ngày. Vì vậy, phải triển khai gấp các biện pháp phòng chống ở mức cao nhất.
Phó thủ tướng chỉ đạo, do diện ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh, nên các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ thực hiện cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi và đưa tàu thuyền neo, tránh trú ở khu vực an toàn.
Các vùng đông dân cư, khu vực xung yếu, dễ bị sạt lở, nhà cửa yếu chuẩn bị sẵn sàng công tác sơ tán dân, theo dõi sát tình hình để quyết định sơ tán chậm nhất vào 9h sáng mai (30/9), đồng thời khẩn trương thực hiện chằng, chống nhà cửa, trực 24/24, kiểm tra các đoạn đê xung yếu. Mưa to kéo dài nên cần lưu ý các điểm dễ sạt lở, công tác biển báo, vấn đề giao thông, nhà cửa vùng núi...
Tất cả các địa phương trong vùng ảnh hưởng theo dõi sát tình hình bão lũ, để trước cuối buổi học chiều nay (29/9) quyết định cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Phó Thủ tướng đã cử 4 đoàn công tác đi đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Nam Định để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão lũ.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Đội biên phòng, đến 16h ngày 28/9 đã thông báo, kêu gọi được 39.712 tàu, thuyền với 179.474 người và 2.037 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với 4.694 người chủ động phòng chống bão... Cũng theo báo cáo, hiện các địa phương miền Bắc đã thu hoạch gần xong diện tích lúa hè thu, nhưng vẫn còn gần 1, 2 triệu ha lúa vụ mùa đang xanh. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thu hoạch xong lúa hè thu và cũng còn 236.000 ha vụ mùa.
Về tình hình mưa, lũ tại Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), hiện vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, lũ tiếp tục lên nhanh. Dự báo, đến ngày 2/10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức trên báo động 3. Mưa lũ dâng cao, đã gây ra vỡ đê tại một số địa phương.
Theo báo cáo, tổng hợp ban đầu về tình hình thiệt hại do lũ đồng bằng sông Cửu Long: tại An Giang đã có 1 người chết, 2.032 nhà ngập, 125m đê bị vỡ và ngập, 2.700 ha lúa. Tỉnh đã huy động hơn 3.000 người tham gia gia cố, tôn cao 254 km đê, bờ bao chống lũ; thành lập 32 điểm trông giữ trẻ với 1.380 cháu; củng cố lực lượng cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn với 502 chốt, điểm, tăng cường phương tiện áo phao cứu sinh, di dời 5 hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi ở tạm.
P. Thanh