1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão số 1 đang di chuyển sang Trung Quốc

(Dân trí) - Hồi 10h sáng nay (22/6), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 170km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.

Bão số 1 đang có xu hướng di chuyển sang phía Trung Quốc (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Bão số 1 đang có xu hướng di chuyển sang phía Trung Quốc (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 10 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.

Ảnh mây vệ tinh (

Ảnh mây vệ tinh (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 3-5 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi qua vùng biển phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ, sau đó đi vào đất liền Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 24/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (tức là khoảng từ 40 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của bão, từ ngày mai (23/6) vùng biển Đông Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc từ đêm mai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa rào, giông mạnh. Sóng biển cao 2-4 mét. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) Văn phòng thường trực cho biết:

Tình hình tàu thuyền

Theo Báo cáo số 223/BC-CQTT ngày 22/6/2015 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB, TKCN Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 sáng nay (22/6), Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu,thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 60.195 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/276.245 người biết diễn biến, hướng di chuyn của bão để chủ động phòng tránh, trong đó: Hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa): 97 tàu/878 lao động (Quảng Ngãi: 60 tàu/592 LĐ, Bình Định: 27 tàu/189 LĐ, Khánh Hòa: 10 tàu/97 LĐ); Hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến: 59.012 tàu/279.049 LĐ.

Tình hình Thủy văn

Mực nước lúc 7h sáng nay (22/6) trên sông Hồng tại Hà Nội là 1,64m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,81m.

Dự báo: Sông Hồng: Mực nước hạ lưu sông Hồng tiếp tục dao động theo điều tiết của hồ chứa và thủy triều theo xu thế xuống, đến 7h/23/6 mực nước tại Hà Nội có khả năng xuống mức 1,45m; Sông Thái Bình: Mực nước hạ lưu các sông trên hệ thống sông Thái Bình tiếp tục biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều, đến 19h/22/6 tại Phả Lại có khả năng ở mức 0,60m.

Thiệt hại do thiên tai

Theo thông tin ban đầu qua điện thoại từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Cần Thơ, trong ngày từ 21/6/2015, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra lốc xoáy và sạt lở đất gây thiệt hại cụ thể như sau: Lúc 3 giờ 30 phút ngày 21/6/2015, sạt lở đã xảy ra tại khu vực 5, phường Ba Láng, TP.Cần Thơ làm sập hoàn toàn 1 căn nhà xuống sông; Lúc 9 giờ 30 phút ngày 21/6/2015, mưa giông kèm theo lốc xoáy đã xảy ra trên địa bàn ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ thuộc TP.Cần Thơ đã làm 3 người bị thương và 13 căn nhà bị tốc mái; Sau khi sạt lở, lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã đến hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại và huy động lực lượng giúp dân ổn định đời sống.

Ngày 22/6, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho biết, đến nay 6.743 tàu cá của ngư dân tỉnh này đang hoạt động trên các vùng biển ngoài khơi xa đã nhận được thông báo về vị trí, tốc độ và hướng di chuyển của bão số 1 để chủ động, phòng tránh.

Theo đó, có 40 tàu cá đang hoạt động từ vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ninh, 457 tàu cá hoạt động ở vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và 27 tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa được các ngành chức năng dự đoán là nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Hiện tất cả các tàu cá này đã nhận được thông báo và đang trên đường di chuyển đến nơi an toàn để tránh trú bão.

Bão số 1 đang di chuyển sang Trung Quốc
Gần 7.000 tàu cá ngư dân Bình Định đã nhận được thông báo về bão số 1 và đang di chuyển đến nơi tránh chú an toàn

Ngoài ra, các phương tiện còn lại đang hoạt động và neo đậu tại các bến ở địa phương cũng nhận được thông tin về diễn biến cơn bão số 1 để có biện pháp phòng tránh bão an toàn.

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Bình Định, lúc 16h30 ngày 21/6, tại  toạ độ 10,08 độ vĩ Bắc - 113,22 độ kinh Đông (cách Tây Nam đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa khoảng 30 hải lý) tàu cá BĐ 95701 TS do Nguyễn Văn Quảng (29 tuổi, trú thôn Chánh Thiện 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) thuyền trưởng có 1 có ngư dân Nguyễn Cảnh Huy (35 tuổi, trú cùng địa phương) bị đau đầu, nôn mửa, toàn thân tím tái.

Nhận được tin báo, Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu Bộ tham mưu Quân chủng Hải quân chỉ đạo đảo Đá Lớn liên lạc với tàu cá trên và chuẩn bị công tác tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân.

Doãn Công

Nguyễn Dương