Bão Nari làm “bật gốc” thực trạng trồng cây xanh ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Vì sao 95% cây xanh của Đà Nẵng ngã đổ? Vì bão. Điều đó không sai. Nhưng vì sao rất nhiều cây dân trồng không đổ? Trong khi cây xanh trên các tuyến đường đều đổ hết?
Đó là câu hỏi mà ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đặt ra trong cuộc họp với các sở, ban, ngành nhằm kiểm tra, đánh giá công tác khắc phục hậu quã bão số 11 tại Đà Nẵng. Đó cũng là thắc mắc của người dân thành phố và nhiều bạn đọc của báo Dân trí sau khi chứng kiến cảnh tan hoang trên đường phố Đà Nẵng sau bão. Bão Nari không chỉ quật ngã hàng vạn cây xanh trên địa bàn thành phố mà còn làm "bật gốc" những tồn tại trong thực trạng cây xanh ở thành phố Đà Nẵng.
Cây đổ lộ cách trồng dối
Sau khi cơn bão Nari đổ bộ và quần thảo Đà Nẵng suốt đêm 14/10 đến gần trưa 15/10, thiệt hại lớn nhất có thể nhìn ra ngay là hàng vạn cây xanh ngã đổ. Theo thống kê của Công ty Cây xanh TP Đà Nẵng, có gần 20.000 cây xanh do đơn vị này phụ trách trồng, chăm sóc, duy tu, bão dưỡng đã bị bão Nari quật đổ.
Thiệt hại về tài sản hiện chưa có mức thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn là rất lớn. Theo các chủ vườn ươm định giá, có nhiều cây trị giá lên tới hàng chục triệu đồng. Trong khi đó theo ghi nhận ban đầu của Công ty Cây xanh Đà Nẵng, trong 20.000 cây hư hại sau bão, chỉ dựng trồng lại được khoảng 3.000 cây.
Vì sao nhiều cây xanh ngã đổ như vậy? Đúng như Bí thư Trần Thọ nói: “Tất nhiên là vì bão. Cái đó không ai cãi”. Nhưng tại sao nhiều cây dân trồng không đổ? Lý giải do cây cối chưa được cắt tỉa cành lá, chèn chống, là chưa thỏa đáng, vì trước khi bão được dự bão ảnh hưởng tới thành phố, Đà Nẵng đã cho cắt tỉa cành lá rất cẩn thận. Thực tế ghi nhận, những cây bị bật gốc đều lộ bộ rễ cụt lủn, trong khi thân cây to, tán rộng. Nguyên nhân là do nhiều cây khi đã phát triển cao to mới được bứng ra trồng ở vỉa hè; bị các chủ vườn tỉa bớt rễ cây; cộng thêm gặp nhiều đường đây điện, cáp ngầm nên bị hạn chế phát triển bộ rễ.
Cách trồng cây mà để nguyên bao ni lông bọc rễ như vậy, theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Cây xanh Đà Nẵng, là trồng dối, trồng ẩu. Nguyên tắc là phải bỏ túi bầu (bao bọc quanh gốc cây) trước khi trồng, trừ trường hợp túi bầu làm bằng chất liệu dễ phân hủy.
Ai chịu trách nhiệm?
Đặt câu hỏi: “Vì sao UBND quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ? Vì sao nhiều cây nhà dân trồng không ngã đổ? Trong khi cây xanh trên các tuyến đường ngã bẹp hết?”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hỏi các đơn vị liên quan “Ai giám sát? Ai nghiệm thu?”.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 22/10, ông Đặng Đức Thứ cho biết: “Nhiệm vụ chính của đơn vị chúng tôi là duy tu bão dưỡng cây xanh và trồng một phần cây xanh. Nhiều cây xanh ở các tuyến đường lớn hiện nay trong thành phố không do công ty trồng mà khi có dự án thì tổ chức đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu hạng mục cây xanh thì triển khai thực hiện”.
Về cách trồng dối như trên, ông Thứ nói: “Công nhân chúng tôi không ai dại gì mà làm ẩu như vậy. Vì khi bão đánh bật gốc cây như vừa qua lộ ra làm dối là họ phải chịu trách nhiệm. Cây nào ai trồng thì người đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo Giám đốc Công ty Cây xanh thành phố Đà Nẵng, để an toàn hơn cho cây xanh trong gió bão nên trồng từ khi cây còn nhỏ, cây sẽ phát triển vững vàng, ăn sâu vào lòng đất hơn. Nên trồng những cây có độ cao và tán rộng vừa phải. Nên chọn những cây phù hợp với khí hậu địa phương...
Khánh Hiền