(Dân trí) - Tâm bão Mirinae đã tiến sát tỉnh Bình Định, Phú Yên kéo theo mưa lớn. Các tỉnh Nam trung bộ đang căng mình chống bão...
* Tiếp tục cập nhật...
Mưa to, gió giật tại Phú Yên sáng nay, 2/11 (Ảnh: N.Quyền/Người Lao Động)
Tỉnh Bình Định, toàn bộ lực lượng PCLB cùng các cơ quan chức năng đã có mặt tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời chỉ đạo dân ứng phó với bão dữ.
Tại TP Quy Nhơn, mặc dù các các phương tiện truyền thông trên địa bàn đã hoạt động hết công suất, cảnh báo về cơn bão có gió giật cấp 10, 11 nhưng tại phường Trần Phú lúc mờ sáng vẫn có một số người dân dùng thuyền thúng ra biển đánh cá.
Chính vì vậy, thông tin ban đầu cho biết, anh Hồ Kỳ Thôi, 27 tuổi trú tại khu vực 2, phường Trần Phú (Quy Nhơn - Bình Định) đã bị sóng cuốn mất đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), 6h sáng, ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trường ban chỉ đạo PCLB đã có mặt và trực tiếp chỉ đạo di dời nhanh chóng 300 hộ dân thuộc 4 thôn Lý Chánh, Lý Hòa, Lý Lương và Lý Hưng ở vùng nguy hiểm vào nơi an toàn.
Riêng xã đảo Nhơn Châu, Nhơn Hải lực lượng PCLB và Bộ độibiên phòng đã có mặt và di dời được 196 hộ dân ở ven biển Nhơn Hải, 31 hộ ở xã đảo Nhơn Châu.
Tính đến 11 giờ trưa 2/11, thông tin từ Ban PCLB tỉnh cho biết, hiện đã di dời được 1.731 hộ dân với 7.528 nhân khẩu vào nơi trú bão an toàn, gió lớn kèm theo mưa to nên tất cả học sinh trên đại bàn tỉnh Bình Định cũng được nghỉ học.
Tại Phú Yên, đến 15h chiều, Phó chủ tịch kiêm trưởng ban PCLB tỉnh Nguyễn Bá Lộc thông báo, bão đã đổ bộ vào Phú Yên với gió giật rất mạnh, tỉnh đã sơ tán được 1.000 dân, ông cũng cho biết các thành viên Ban PCLB tỉnh đang có mặt tại các địa bản trọng điểm để chỉ đạo chống bão.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân trao đổi với Dân trí cho biết, bão đã đi vào huyện Vạn Ninh, địa phương giáp tỉnh Phú Yên khiến huyện này bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão. Đây được coi là “tâm bão” của tỉnh. Hiện chưa có thông báo thiệt hại về người, nhiều nhà mái tôn bị tốc mái, nhiều cây to bị đổ, ngã… Ông Thân cho biết, tại huyện Vạn Ninh nơi ông đang có mặt chỉ đạo, gió rất to và mưa rất lớn.
“Nếu mưa tiếp tục kéo dài với cường độ lớn như thế này, khả năng chiều tối nay sẽ xảy ra ngập lụt tại khu vực này”, ông Thân nhận định.
Cũng theo ông Thân, người dân ở khu vực xung yếu, ven biển đã được sơ tán, di dời từ tối qua. Toàn bộ tàu thuyền đánh cá đã được đưa vào khu vực an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bắt đầu từ trưa ngày 2/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gió bắt đầu thổi mạnh. Tại đảo Lý Sơn, sức gió đo được tới cấp 9, cấp 10. Do đã chủ động từ trước và lo ngại bão số 11 sẽ diễn biến như bão số 9, người dân Lý Sơn rất cảnh giác. Toàn bộ tàu thuyền đã neo đậu cẩn thận trong bãi Mù Cu, số tàu lớn thì chạy vào cảng Sa Kỳ để tránh bão nên không có thiệt hại đáng kể nào. Chỉ có khoảng 40 hecta tỏi gieo trồng sớm bị thiệt hại nặng.
Hàng nghìn tàu thuyền đã vào neo đậu ở cảng Sa Kỳ (Ảnh: Trà Ban)
Vùng đồng bằng từ trưa ngày 2/11 đã mưa rất to, mực nước các sông lớn trong tỉnh lên rất nhanh, khả năng vượt báo động 2 trong tối nay và còn tiếp tục dâng cao. Toàn bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi đã về các địa phương triển khai công tác phòng chống bão. Trên 4.000 dân ở những vùng có nguy cơ bị ngập do nước biển đều được di dời. Trên 1.000 đồng bào Cor ở Trà Bồng đang sống dưới các chân núi bị nứt cũng đã được di chuyển đến những nơi an toàn.
Sáng 2/11, Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi họp khẩn cấp để triển khai công tác phòng chống cơn bão số 11. Theo báo cáo của BCH Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đến 6 giờ sáng ngày 2/11, toàn tỉnh có 279 chiếc tàu thuyền đánh cá với 2.524 lao động đang hoạt động trên biển ở các khu vực. Trong đó, tại khu vực quần đảo Trường Sa có 21 tàu thuyền/452 lao động; vùng biển khu vực Hoàng Sa có 23 thuyền/337 lao động; vùng biển các tỉnh phí Nam có134 thuyền/ 931 lao động. Riêng số tàu thuyền tại hai khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tính đến 11h ngày 2/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận đã sơ tán được 5.282 hộ với 25.782 nhân khẩu.
Trong đó Quảng Ngãi đã di dời 1.580 người, Bình Định 7.893 người, Phú Yên 6.162 người, Khánh Hòa: 2.832 người.
Theo thông báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ: Hồi 15h chiều nay, 2/11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hoà. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; tại Tuy Hoà (Phú Yên) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; Quy Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.