Bão kép dự kiến đổ vào Bắc Trung Bộ
(Dân trí) - Thêm một cơn bão khác hoạt động ngoài khơi Philippines tương tác với bão số 3, khiến đường đi của bão khi vào Vịnh Bắc bộ diễn biến phức tạp. Vùng đổ bộ dự kiến là Bắc Trung Bộ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hồi 13h ngày 29/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 650km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Đến 13h ngày 30/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Đến 13h ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Ở vịnh Bắc Bộ từ đêm nay (29/7), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh từ chiều tối mai (30/7), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Từ chiều tối ngày 30/7 ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Các tỉnh từ Hải Phòng - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5m.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản và các chủ tàu tiếp tục kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển để không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão.
Theo báo cáo mới nhất, hiện Quảng Nam có tổng số tàu đang hoạt động trên biển 543 chiếc với 4.077 lao động; Khánh Hòa có số tàu hiện hoạt động trên biển 457 chiếc với 4.077 lao động; Phú Yên có 295 tàu với 2.132 lao động; Quảng Trị có 71 tàu với 672 lao động, không có tàu thuyền nào đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm; Quảng Bình có 5.059 tàu với 19.925 lao động; Quảng Ngãi có tổng số tàu đang hoạt động trên biển là 1.402 chiếc với 11.862 lao động. Theo báo cáo nhanh của Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, tính đến 8 giờ sáng nay (29/7), toàn bộ tàu cá ở Hà Tĩnh (gần 3.800 tàu thuyền với hơn 13.700 lao động) đã nắm được thông tin diễn biến về cơn bão số 3. Hà Tĩnh đang hết sức khẩn trương chỉ đạo các phương án đối phó với bão Nock- Ten (cơn bão số 3) nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do bão gây ra (Ảnh: Đặng Tài) Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng, Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh cho biết, hiện tại đang có 1.052 tàu thuyền (với 2.504 lao động) đánh bắt trên biển. Hiện tại, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển đang tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp các tàu thuyền ở khu neo đậu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo đó, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh đã giao Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã ven biển tăng cường công tác quản lý, cấm không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn…, đồng thời sơ tán, di dời đến nơi an toàn cho hơn 27.400 người dân vùng ven biển, cửa sông; Triển khai các phương án đảm bảo hồ chứa, công trình đê điều xung yếu. Tập trung lực lượng tuần tra, canh gác đê điều, hồ đập và thường trực vận hành điều tiết lũ hồ chứa; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng , vật tư, phương tiện để hộ đê, hồ đập; Đặc biệt kiểm tra cụ thể 4 tại chỗ đến tận thôn, xóm, xã và hộ gia đình, nhất là các vùng thường bị lũ quét, ngập lũ, ngập úng để chủ động ứng phó mưa, lũ do bão gây ra; Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn ở các cấp để chủ động xử lí các tình huống xấu do bão lụt gây ra. Đặng Tài - Văn Dũng |
P .Thanh