Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa gấp rút ứng phó cơn bão số 3
(Dân trí) - Để ứng phó với cơn bão số 3 đang tiến vào bờ biển Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cơn bão này.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Trung Thoại - Phó chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - cứu hộ cứu nạn (PCLB- TKCN)TP Hải Phòng cho biết: “Chiều 28/7/2011, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp khẩn cấp bàn biện pháp phòng, chống cơn bão số 3.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực đông bắc và Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố Hải Phòng, nhiều khả năng, cơn bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến Hải Phòng khoảng sáng và trưa 30/7. Ban chỉ huy PCLB- TKCN đã ra 2 công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương tập trung cho việc phòng, chống cơn bão số 3. Đến 16 giờ ngày 28/7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng thông báo, hướng dẫn cho 4.433 phương tiện với 14.951 lao động, 533 lồng bè nuôi thuỷ sản đang hoạt động trên vùng biển Hải Phòng biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh”.
Ông Đỗ Trung Thoại cho biết thêm, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê. Các vùng dân cư ven biển đang chủ động phương án di dân khi có tình huống xấu xảy ra. Ngành Nông nghiệp - PTNT và các địa phương đặc biệt chú ý phương án an toàn cho đê điều và chống úng cho lúa mới cấy. 3 khu vực đê xung yếu phải chuẩn bị đặc biệt để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 là huyện Cát Hải, Thủy Nguyên và quận Đồ Sơn. Các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố được yêu cầu cần nghiêm túc ứng trực bão, bảo đảm thông tin liên lạc 24/24 giờ.
Là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão số 2 khi cơn lốc xoáy bất ngờ quét qua, huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng đang dồn lực vào các công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Nock - Ten. Theo ông Phạm Văn Thao - Phó chủ tịch UBND, trưởng ban phòng chống lụt bão huyện Thủy Nguyên, từ ngày 28/7, lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên đã xuống địa phương kiểm tra các khu vực đê, kè cống xung yếu và trực tiếp chỉ đạo ban phòng chống lụt bão các xã thị trấn tập trung lực lượng sẵn sàng ứng phó khi bão tràn đến. Toàn bộ tàu thuyền, lồng bè của ngư dân còn đang hoạt động trên biển được thông báo di dời về nơi trú ẩn an toàn.
Cũng là địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện về chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão số 3 tới tất cả các địa phương trên toàn tỉnh.
Về những dấu hiệu của cơn bão sắp đổ bộ vào huyện đảo Vân Đồn, ông Bùi Văn Cẩn - Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Hiện tại, dù chưa có gió lớn trên huyện đảo nhưng triều cường trên biển đã khá mạnh, tại khu vực xã Quan Lạn, trên nhiều đoạn đê triều cường đã mấp mé. Công tác thông báo cho thuyền bè của ngư dân vè nơi lưu trú an toàn đang được chúng tôi triển khai gấp rút.
Tính đến 15h ngày 29/7, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 8.568 tàu thuyền với 28.500 lao động đang di chuyển vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó có 7.871 tàu thuyền với 24.244 lao động đã neo đậu hoặc trú ẩn tại ven biển thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá; 615 tàu thuyền với 3.790 lao động đang hoạt động trên biển hoặc đang tìm đường vào nơi trú ẩn.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã triển khai các công tác ứng phó với bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, chuẩn bị công tác di dân ở những vùng mép nước, khu vực miền núi có nguy cơ bị sạt lở đất.
Để nhằm giảm thiếu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp bão độ bộ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã tổ chức họp và lên phương án đối 6 huyện, thị ven biển triển khai công tác chuẩn bị để sẵn sàng sơ tán dân, đặc biệt là người dân sống gần mép nước.
Trong đó, trọng tâm là huyện Hậu Lộc có khoảng 46.216 người, huyện Tĩnh Gia có 34.000 người, huyện Nga Sơn với hơn 15.000 dân... có thể phải di dời trong tình huống xấu xảy ra. Có khoảng hơn 140.000 người dân sẽ phải sơ tán khỏi nơi ở nếu bão đổ bộ vào đất liền.
Công tác triển khai sơ tán dân phải được tiến hành trước khi bão đổ bộ từ 6 - 10 tiếng đồng hồ.
Đồng thời các huyện vùng núi có nguy cơ sạt lở đất cũng cần lên phương án đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Đồng thời, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Cục đê điều kiểm tra toàn bộ hệ thống đê điều, hồ đập và mở cống thoát nuớc tiêu úng, kiểm tra các trạm bơm để sẵn sàng vận hành xả nước khi cần thiết.
Anh Thế - Quốc Đô - Lan Anh - Duy Tuyên