1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bảo hiểm cho trâu, bò: Còn lâu mới có!

(Dân trí) - Người dân vẫn phải tiếp tục chịu thiệt hại lâu dài khi gia súc chết bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Chuyên gia bảo hiểm thì khẳng định, đây là lĩnh vực khó, và nông dân có trâu bò chết thì tự mình chịu lấy, bảo hiểm không có trách nhiệm…

Trao đổi với Dân trí, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông Phùng Đắc Lộc, nói:

Muốn bảo hiểm được một sản phẩm nào đó thì nhà bảo hiểm trước hết phải quản lý được rủi ro, đánh giá được rủi ro để chấp nhận bảo hiểm. Đối với vật nuôi, cây trồng, ngoài tác động do thời tiết thì còn phụ thuộc rất nhiều ở người chăn nuôi và trồng trọt sản phẩm đó. Khi có rủi ro thì người quản lý vật nuôi cây trồng trước mắt phải ra sức phòng chống rủi ro này đã, không được ỷ vào việc đã tham gia bảo hiểm nên bỏ mặc.

Ngoài ra, phải tính đến rủi ro về đạo đức bảo hiểm nữa. Trên toàn thế giới người ta rất sợ loại rủi ro này. Nếu một ruộng lúa bị hạn, người nông dân tích cực thì đầu tiên phải chống hạn, chứ hạn rồi lại càng mừng cứ bỏ đấy... chờ bảo hiểm là không được. Trời rét thế này thì đầu tiên anh phải chống rét cho trâu bò, chứ nếu trời rét mà cứ để trâu bò chết là không được. Rủi ro đạo đức là ở chỗ đấy!

Thưa ông, hiện nay có quy định nào ràng buộc của bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp?

Bảo hiểm cho trâu, bò: Còn lâu mới có! - 1

Ông Phùng Đắc Lộc. (Ảnh: T.Hưng)

Chúng ta không có quy định nào, bởi đây là việc kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Từ những năm 80, Bảo Việt cũng đã tiến hành bảo hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng sau đó đã rút lui. Thậm chí có một tập đoàn bảo hiểm lớn của Pháp cũng thua cuộc khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp tại thị trường Việt Nam.

Khó khăn nhất của bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp là gì?

Thứ nhất là nuôi trâu bò không theo một quy trình nào cả, không có chuồng trại, không có chế độ cho ăn uống theo định lượng… Nói gọn hơn là manh mún, nhỏ lẻ. Đến chủ nhà hỏi bây giờ trâu của anh đang ở đâu thì nhận được câu trả lời là đang thả trên núi thì có doanh nghiệp bảo hiểm nào dám tham gia?

Muốn làm cái gì thì cũng phải kiểm soát được nó, muốn mặn mà hay không thì phải kiểm soát được rủi ro, khi chưa kiểm soát được rủi ro thì gọi là mạo hiểm. Bản thân bảo hiểm đã là mạo hiểm rồi, bây giờ còn mạo hiểm hơn nữa thì không được.

Nói như ông thì có quá nhiều lý do để các đơn vị bảo hiểm không tham gia vào lĩnh vực này, và như vậy là chính nông dân phải đánh vật với những thiệt hại của chính mình?

Về nguyên tắc thì cái gì cũng bảo hiểm được, vấn đề là phí bảo hiểm phải như thế nào. Tôi có thể bảo hiểm con trâu với mọi rủi ro, nhưng con trâu trị giá 10 triệu đồng nhưng phí bảo hiểm hàng năm phải đóng là 2 triệu đồng thì người nông dân có thể gánh chịu được không?

Và như vậy, việc bảo hiểm cho trâu, bò còn lâu mới có, thưa ông?

Tất nhiên.

Ông có nói đến vấn đề đạo đức của chủ nhân những sản phẩm được bảo hiểm, vậy chúng ta có nên đặt lại vấn đề đạo đức cho các đơn vị bảo hiểm khi hàng chục nghìn con trâu bò bị chết rét nhưng bảo hiểm vẫn đứng ngoài cuộc?

Đã là doanh nghiệp thì phải kinh doanh, doanh nghiệp không làm từ thiện, doanh nghiệp không làm nghĩa vụ xã hội nếu nhà nước không có chế độ. Muốn làm thì nhà nước phải có chế độ, phải bù lỗ, cấp phí, miễm giảm… Ở nước ngoài người ta bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, tôi không biết thiệt hại là bao nhiêu, nhưng khi thời tiết thay đổi thì tôi được bồi thường một số tiền nhất định.

Liệu điều này có thể áp dụng cho Việt Nam?

Rất khó, vì nó vướng vào luật pháp hiện hành của chúng ta.

Theo ông, việc bảo hiểm cho trâu bò thì có cần thiết không?

Đó là tấm lá chắn cho nông dân, nên rất cần thiết. Nhưng rất tiếc hiện nay chưa có một doanh nghiệp bảo hiểm nào dám mạnh dạn tiến công vào lĩnh vực này. Trong khi đó, hầu như chưa người dân nào đặt vấn đến bảo hiểm cho sản phẩm của mình. Vì sao? Vì nói đến phí bảo hiểm là họ lảng tránh rồi.

Bảo hiểm cho trâu, bò: Còn lâu mới có! - 2

Trâu, bò chết hàng loạt vì rét. Những người dân Sapa (Lào Cai) phải ngả thịt bán rẻ như cho, mong gỡ gạc phần nào chút vốn. (Ảnh: Lê Anh Tuấn).

Ở góc độ chuyên môn, chúng ta nên đặt vấn đề chia sẻ rủi ro giữa đơn vị bảo hiểm với những thiệt hại của người dân như thế nào, thưa ông?

Tôi nói rồi, bảo hiểm không phải chia sẻ rủi ro mà thu phí bảo hiểm của những người tham gia bảo hiểm, và những người tham gia bảo hiểm đó phải tự chia sẻ với nhau, bảo hiểm chỉ đứng ra quản lý quỹ.

Đặt vấn đề là nếu trâu bò được bảo hiểm, vậy phí cho dịch vụ này có lớn không?

Rất lớn, vì phí rủi ro cho hoạt động này rất cao. Bây giờ nên định hướng và khuyến khích để người dân xây chuồng trại. Các nhà khoa học nên xây dựng quy trình chăn nuôi, chăm sóc, dinh dưỡng… và vận động nông dân thực hiện theo quy trình đó.

Rủi ro cao, hoàn toàn thụ động trước thiên tai và chẳng có gì bảo vệ dịch bệnh cả nên việc các đơn vị bảo hiểm chưa quan tâm đến lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu.

Năm nay, năm sau, và các năm khác nếu có trâu bò chết như vừa rồi thì nông dân cũng tự gánh lấy hậu quả?

Rõ ràng là như vậy.

Như vậy có gì bất hợp lý không, thưa ông?

Chẳng có gì bất hợp lý cả, anh đã chấp nhận chăn nuôi kiểu ấy thì phải chịu rủi ro, đừng đổ lỗi cho ai cả.

Hình như chúng ta đang đổ hết lỗi cho nông dân?

Tất nhiên nhà nước phải có định hướng cho người dân. Nhưng suy cho cùng vẫn do nông dân cả.

Xin hỏi một câu riêng tư, nhà ông hoặc người thân của ông có trâu bò bị chết rét trong đợt vừa qua không? Ông đã xử lý việc đó như thế nào?

Ba đời tôi đều ở thành thị cả, ít tiếp xúc với điều này. Nếu có trâu bò chết thì mình phải chịu thiệt thòi, chấp nhận rủi ro thôi.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hưng
(Thực hiện)