Nông dân điêu đứng vì gia súc, lúa chết rét hàng loạt
(Dân trí) - Hàng nghìn con trâu, bò chết rét vì không chịu nổi đợt lạnh thấu xương kéo dài. Trong khi đó, nông dân tại các tỉnh miền Bắc cũng điêu đứng vì hàng nghìn ha lúa chết vì rét đậm, rét hại…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 12/2 tại các tỉnh phía Tây Bắc bộ đã có trên 5.000 con trâu, bò bị chết vì rét. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Hà Giang với 2.000 con bị chết, tiếp đó là Lạng Sơn 1.000 con, Bắc Kạn 800 con, Lào Cai 700 con, Phú Thọ 500 con...
Hầu hết số trâu, bò bị chết rơi vào những con già và con non (bê, nghé) với hai nguyên nhân chính là chết vì rét và do thiếu thức ăn.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết, do trước rét người dân chăn thả trâu, bò ở ngoài rừng, khi xảy ra rét đã không kịp lùa về chuồng, mà nếu có lùa về cũng không có thức ăn dự trữ để cho chúng ăn, còn những con non thì lại không được che chắn kịp thời.
Theo ông Hoàng Kim Giao, biện pháp quan trọng nhất bây giờ là phải nhốt ngay trâu, bò lại và che chắn cẩn thận, không cho ra ngoài;
Cần đốt và sưởi ấm cho trâu, bò bằng trấu và tro để nhiệt độ chuồng nuôi ấm lên; Cho trâu, bò ăn đầy đủ (rơm, cỏ), kết hợp với nấu cháo hoặc cám, song tốt nhất vẫn là kiếm đủ thức ăn thô, vì trâu, bò không ăn được nhiều chất tinh.
Nếu có điều kiện, nên bổ sung thêm một ít chất khoáng cho chúng liếm hoặc uống để tăng sức đề kháng trong đợt rét này. |
Trong khi đó, thông báo mới nhất của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong hơn 1 tháng qua ở miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tính tới thời điểm này, đã có 125.000 ha lúa bị chết hoặc không có khả năng phục hồi, chưa kể hàng chục nghìn ha mạ đã gieo cũng bị chết.
Tại các tỉnh Bắc Bộ, người dân đã bắt đầu ra đồng canh tác, tập trung cho vụ sản xuất đông xuân. Chị Dương Thị Thảo (xã Lai Xá, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) nói, gia đình chị gieo gần một sào mạ nhưng do thời tiết quá rét nên số mạ này chết hết, chị đang lo vụ mùa này sẽ thiếu mạ cấy. Do tâm lý chủ quan, cộng với sự chỉ đạo không sát sao, đã có rất nhiều người dân Hải Dương cấy vào những hôm thời tiết dưới 15 độ C, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Tại Bắc Ninh, hàng chục nghìn ha diện tích mạ đã gieo đều chết. Để cứu lúa, phần lớn diện tích mạ đã gieo của các hộ dân nơi này đều được phủ bạt, ni lông cẩn thận nhưng vẫn chết.
Tính đến thời điểm này, các tỉnh có nhiều diện tích lúa bị chết nhất là Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Dương và Hải Phòng. Theo đánh giá từ các đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân một phần là do người dân chủ quan, một phần do chính quyền địa phương chỉ đạo không sát sao và quyết liệt, thậm chí có nơi do tập trung... ăn Tết mà lơ là, không chú ý đến các khuyến cáo của ngành trước đó.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp đã liên tục lên tiếng cảnh báo bà con không được gieo cấy khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, nhưng nông dân đã không nghe và bây giờ là lúc họ phải trả giá.
Nông dân mất Tết Chỉ trong vòng 1 tuần đã có hơn 1.000 con trâu bò ở huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình chết vì rét. Huyện Minh Hóa mùng 4 Tết, làng xóm đìu hiu bởi tất cả dân làng đang lo chuyện trâu bò chết rét. Chị Trương Thị Lan nức nở: “Nhà nuôi được 5 con trâu bò, tính ra tết bán để làm nhà thì chỉ 3 ngày tết đã chết mất 4 con”. Những ngày tết, cả gia đình chị tìm mọi cách để cứu lấy đàn bò nhưng rồi đành thắt ruột nhìn những con bò lăn ra chết. Theo thống kê sơ bộ của lãnh đạo xã Tân Hóa (Minh Hóa), toàn xã đã có hơn 300 con trâu bò bị chết rét trong mấy ngày tết. Nhiều gia đình hoàn toàn trắng tay khi trâu bò bị chết hàng loạt như gia đình bà Thái Thị Hồng nuôi 15 con trâu bò thì chết mất 8 con, còn 7 con đang cầm cự với rét và sắp chết. Hầu hết người dân Tân Hóa đều không có tết vì tất cả mọi người đều tập trung cứu trâu, bò. Song sức người có hạn, thiên nhiên lại quá khắc nghiệt nên người dân Tân Hóa đang thực sự chưa biết làm gì để vượt qua hoạn nạn. Rời Tân Hóa về xã Trung Hóa, trên đường đi chúng tôi bắt gặp hàng loạt trâu, bò nằm chết trên lề đường. Toàn xã Trung Hóa có 115 con trâu bò đã chết trong mấy ngày qua. Ông Cao Xuân Quế, Chủ tịch UBND xã, buồn rười rượi cho biết: “Lẽ ra ngày 28, 29 chết người dân đổ xô đi sắm tết thì bà con quê tui lại khóc hết nước mắt vì trâu bò chết hàng loạt. Chẳng có ai còn thời gian, tâm trí mà nghĩ đến tết nữa”. Xã Thượng Hóa cũng đã có 150 con trâu bò chết vì rét. Theo người dân địa phương: Năm nay là đợt rét đậm nhất và kéo dài nhất trong vòng hàng chục năm qua. Nhiều đêm nhiệt độ rớt xuống 2-3oC, nhưng chẳng thấy có cơ quan chức năng nào cảnh báo cho người dân cũng như việc khuyến cáo người dân các biện pháp chống rét cho gia súc. Để hạn chế rét cho gia súc người dân đã đun nước ấm cho trâu, bò uống, thương bít chuồng trại, mặc áo mưa cho trâu bò…nhưng không ăn thua. Nhiều hộ buổi tối còn cho trâu bò ăn, sáng ra đã thấy trâu bò chết lăn trong chuồng. Những bãi cỏ xanh ngút ngàn vùng miền núi này hoàn toàn mất sạch do sương muối, do vậy việc tìm kiếm thức ăn cho số trâu bò còn lại cũng đang thách thức người dân nơi đây vượt khó. Hai anh Trương Xuân Luận, Trương Xuân Đống chỉ vào chuồng trại trống huơ, trống hoắc rồi bưng mặt khóc. Hai anh em vay vốn mua nuôi được 12 con trâu bò thì chỉ trong vòng có một tuần cả 12 con đều chết. Con trâu là đầu cơ nghiệp, câu ca đó vẫn luôn song hành với người dân nghèo nơi đây, giờ trâu bò chết hàng loạt, người dân đang thực sự trắng tay. Minh Hóa và Tuyên Hóa là hai địa phương trong năm qua liên tục bị bão lũ tràn qua, người dân địa phương nơi đây vừa gắng gượng vượt qua thiên tai nay lại phải đối mặt với việc gia sản mất trắng vì rét. Do vậy chính quyền địa phương và các cấp bộ, ngành cần có biện pháp kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua hoạn nạn. Bởi qua tìm hiểu của chúng tôi hàng ngàn em học sinh nơi đây có nguy cơ phải bỏ học vì gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Chỉ trong vòng 1 tuần đã có hơn 1.000 con trâu bò ở huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa Quảng Bình chết vì rét. Theo Dương Sông Lam Công An Nhân Dân |
Trần Hưng