Bao giờ cán bộ, công chức, người nghỉ hưu được lĩnh lương, phụ cấp mới?

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nghị định 73 quy định các cơ quan đơn vị, người hưởng lương, phụ cấp cũng như cán bộ công chức sẽ được chi trả tiền lương, phụ cấp mới ngay từ 1/7.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 6/7, trả lời về vấn đề tăng lương bắt đầu từ 1/7, người hưởng lương có nhận được ngay hay không?, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết triển khai Nghị quyết 27, sau khi trình chính phủ, báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ Chính trị đã ra kết luận 83, cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội có ra Nghị quyết số 142 thống nhất về việc từ 1/7 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở.

Theo ông Long, việc triển khai Nghị quyết 27, Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền đã chuẩn bị từ năm 2019 đến nay.

Sau khi Bộ Chính trị, Quốc hội thống nhất điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1/7, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6.

Theo đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 73 quy định là các cơ quan đơn vị, người hưởng lương, phụ cấp được áp dụng mức lương cơ sở, cũng như cán bộ công chức sẽ được chi trả tiền lương và phụ cấp ngay từ 1/7.

Nội dung này đã được Chính phủ giao cụ thể cho các bộ tại Nghị định 73.

Bao giờ cán bộ, công chức, người nghỉ hưu được lĩnh lương, phụ cấp mới? - 1

Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: Minh Khanh).

Đối với các nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đã đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6.

Trong đó nêu rõ, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH), mức trợ cấp hàng tháng tăng 15% áp dụng từ 1/7.

Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng.

Đối với người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh lên 3,5 triệu đồng/tháng.

Tất cả các mức này, tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 75/2024/NĐ-CP cũng quy định là có hiệu lực từ ngày 1/7 nên tất cả các đối tượng này đều được tính thụ hưởng từ 1/7.

Ông Long cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ và kịp thời ban hành các nghị định trước ngày 1/7 để triển khai thực hiện việc điều chỉnh tăng lương đối với đối tượng được thụ hưởng.

Lương cơ sở là mức lương được sử dụng để tính lương của người lao động trong bảng lương. Ngoài ra, lương cơ sở cũng là căn cứ để xác định các khoản phụ cấp và các chế độ khác.

Lương cơ sở là mức lương thấp nhất, chưa bao gồm các chế độ của người lao động như chế độ khen thưởng hay phụ cấp. Tuy nhiên, thông qua lương cơ bản, người lao động có thể tìm hiểu rõ chế độ của mình. 

Lương cơ bản tạo nên một cơ chế chính xác, minh bạch và cực kỳ công khai trong chế độ trả lương. Đồng thời, thông qua mức lương cơ sở, chúng ta có thể:

- Tính các khoản chi phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.

- Tính đúng và chính xác các khoản trích từ được chi trả từ nguồn vốn hoạt động của công ty. Đồng thời, xác định được các loại chế độ, các khoản lợi nhuận được hưởng (tính theo mức lương cơ sở).

Hiện nay, lương của viên chức được tính theo công thức: Tiền lương = Hệ số lương x lương cơ sở (2,34 triệu đồng).

Như vậy, ở nhóm viên chức, mức lương cao nhất sẽ là 18,7 triệu đồng/tháng, áp dụng với viên chức loại A3, bậc 6 như kiến trúc sư, kỹ sư, bác sĩ, phóng viên, biên tập viên cao cấp.

Mức lương viên chức thấp nhất là 3,5 triệu đồng/tháng, áp dụng cho viên chức ngạch y công.

Ngoài ra, các khoản phụ cấp tính theo % lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng lương cơ sở cộng mức phụ cấp đó nhân với tỷ lệ % được hưởng.