1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bão đi sâu vào vùng biển Quảng Ninh - Thái Bình, gió giật cấp 9 -12

(Dân trí) - Hồi 11h ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Trưa nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng - chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện khẩn về phòng chống bão.

Bão số 1 đã đi sâu vào vùng biển của Quảng Ninh - Thái Bình (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Bão số 1 đã đi sâu vào vùng biển của Quảng Ninh - Thái Bình (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, vùng gió mạnh của bão đang ảnh hưởng và gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10), ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có gió giật mạnh cấp 7-8. Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80mm,...

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 24/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là khoảng từ 40 đến 50km một giờ), giật cấp 7-8.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Sáng nay, khu vực Hà Nội có mưa trên diện rộng

Sáng nay, khu vực Hà Nội có mưa trên diện rộng

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).

Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, tại Khu vực Hà Nội trong sáng nay đã có mưa rào trên diện rộng, nhưng không liên tục.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, lúc 12h30 trưa nay (24/6), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện hỏa tốc số 07 về phòng chống bão số 1.

Công điện gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm thiên tai (TKTT) các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Công điện hỏa tốc đối phó với cơn bão số 1...

Công điện hỏa tốc đối phó với cơn bão số 1...

Công điện nêu rõ, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, các tỉnh Đông Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Để chủ động đối phó với diễn biến mưa, lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh trên triển khai một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ song, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.

Chủ động phương án an toàn đê điều, hồ đập trên địa bàn; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn người qua lại tại khu vực ngầm, đường ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Thường xuyên tổng hợp tình hình mưa, lũ và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT – Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm