Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:

Báo chí cần liên kết đấu tranh để không bị "ăn cắp" thông tin

Quốc Anh

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, muốn các trang tin điện tử, mạng xã hội "không ăn cắp" thông tin thì các cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm, không vi phạm của nhau...

Ngày 5/11, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”.

Báo chí cần liên kết đấu tranh để không bị ăn cắp thông tin - 1

Diễn đàn với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo…trong cả nước

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, diễn đàn nhằm trao đổi thấu đáo vấn đề nhức nhối hiện nay, có ý nghĩa sống còn trong sự phát triển báo chí hiện nay. Đó là vấn đề bảo vệ quyền các tác phẩm báo chí. 

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, thông tin dễ dàng đến với người dân nhưng báo chí hiện nay đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Có những vấn đề cần phải nhìn nhận lại hệ sinh thái báo chí hiện nay, trước sự tham gia, thậm chí là áp đảo của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

"Hệ sinh thái báo chí truyền thông nói chung và các doanh nghiệp, tác nhân tham gia câu chuyện có thể làm được gì để bảo vệ lẫn nhau? Bảo vệ mình trước sự tham gia, thậm chí là áp đảo của các nền tảng mạng xã hội hiện đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong việc đặt ra luật chơi và phân bổ các nguồn lực trong lĩnh vực này" - ông Lâm đặt vấn đề phải chăng đến lúc điều chỉnh chính sách hiện hành (?!)

Báo chí cần liên kết đấu tranh để không bị ăn cắp thông tin - 2

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, thông tin dễ dàng đến với người dân nhưng báo chí hiện nay đang đối mặt với thách thức chưa từng có

Về vấn đề vi phạm bản quyền hiện nay, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, cho rằng các cơ quan báo chí lấy thông tin của nhau mà phần lớn trong đó là không được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. 

Theo ông Trung, thực trạng này đã giảm nhiều thời gian sau này nhưng nếu các cơ quan báo chí cứ chạy đua theo cuộc đua số lượng thì đó sẽ là “cuộc đua xuống đáy” để cuối cùng giá trị của tin bài bằng không. 

Ông Trung cho rằng cần thiết phải làm tốt công tác “bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” để xây dựng được thương hiệu của tờ báo, phát triển bền vững.

"Nếu như chúng ta từ bỏ cuộc đua số lượng thì sẽ tập trung cuộc đua chất lượng. Lúc đó áp lực chạy đua về số lượng sẽ giảm tới mức để chúng ta có thời gian, công sức để đầu tư các tác phẩm báo chí có chất lượng" - ông Trung nhấn mạnh cuộc đua chất lượng giúp xã hội được lợi chứ không riêng gì cơ quan báo chí.

Báo chí cần liên kết đấu tranh để không bị ăn cắp thông tin - 3

Diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến của đại diên các cơ quan báo chí

Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Thọ, Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM cho rằng, “nạn xâm phạm bản quyền báo chí ngày càng diễn ra nghiêm trọng”. 

Theo ông, rất nhiều tác phẩm ngay khi vừa xuất bản đã bị các web, các cơ quan báo chí khác, trang mạng xã hội tự ý lấy, thậm chí có những tác phẩm báo chí điều tra độc quyền qua nhiều tháng cũng nhanh chóng bị các cơ quan báo chí khác lấy đăng lại.

"Để hoạt động chống nạn vi phạm bản quyền báo chí được hiệu quả, chúng tôi kiến nghị các nhà làm luật cần tăng mức phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả để có sức răn đe nhiều hơn. Nếu tăng mức phạt lên gấp 2-3, thậm chí 5 lần hiện nay thì tôi tin sẽ góp phần hạn chế nạn xâm phạm bản quyền báo chí", đại diện báo Pháp luật TP nói. 

Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhận định: tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực, trong đó có báo chí. Vấn đề vi phạm ngày càng tinh vi đặt ra nhiều thách thức.

Theo ông Thành, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nói trên là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế... 

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho rằng, cái khó hiện nay không phải phát hiện mà là xử lý vi phạm bản quyền. 

Theo ông Do, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả các chuyên gia pháp lý dành thời gian để xử lý việc này. Có thể tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Báo chí cần liên kết đấu tranh để không bị ăn cắp thông tin - 4

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng bản thân các cơ quan báo chí phải hiểu hết các quyền đã được pháp luật bảo hộ của mình, nâng cao nhận thức của phóng viên, phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội, các doanh nghiệp công nghệ trước hết cần phải liên kết với nhau thành một liên minh, có cả sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi, chia sẻ lợi nhuận. 

Theo Thứ trưởng, bản thân các cơ quan báo chí phải hiểu hết các quyền đã được pháp luật bảo hộ của mình, nâng cao nhận thức của phóng viên, phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước. 

"Trước hết, muốn các trang tin điện tử, mạng xã hội không ăn cắp của chúng ta thì bản thân các cơ quan báo chí phải cam kết mạnh mẽ, thực hiện nghiêm, không vi phạm của nhau. Như thế mới liên kết được để đấu tranh với các trang mạng trong nước vi phạm và sau đó liên kết để đấu tranh với các trang mạng ngoài nước" - lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các cơ quan báo chí cần nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, cần phải lên tiếng, tạo thành dư luận để đấu tranh với việc xâm phạm bản quyền báo chí của các mạng xã hội xuyên biên giới...