1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đua nhau ăn cắp, làm giàu từ ăn cắp bản quyền truyền hình trên mạng internet

(Dân trí) - Tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet đang diễn ra ngày càng phức tạp ở nước ta. Những hành vi, vi phạm này không chỉ trực tiếp gây thiệt hại cho các đài truyền hình mà còn ảnh hưởng tới dịch vụ của người xem.

Để bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet, ngày 18/8, Bộ Thông tin Truyền thông – Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã tổ chức buổi Hội thảo tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tới tham dự buổi Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) Việt Nam...

Rất nhiều trang web đang vi phạm bản quyền của Đài truyền hình
Rất nhiều trang web đang vi phạm bản quyền của Đài truyền hình

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, hiện nay truyền hình đang rơi vào thời điểm đầy thách thức khi mà công chúng bấy lâu chung thủy với phương thức xem truyền hình truyền thống (xem qua tivi) nay đã chuyển dần sang những lựa chọn khác (xem qua các thiết bị như điện thoại thông tin, máy tính bảng, máy tính để bàn)... có kết nối mạng Internet, xem được nhiều loại nội dung, không chỉ có mỗi các kênh truyền hình mà còn các loại nội dung chương trình đơn lẻ, video, clip...

Theo Thứ trưởng Bảo, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ trên Internet, tình trạng vi phạm bản quyền trên truyền hình diễn ra trên diện rộng, ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các Đài THTT, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.


Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng việc các trang web ăn cắp bản quyền truyền hình ngày càng tinh vi

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng việc các trang web ăn cắp bản quyền truyền hình ngày càng tinh vi

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình có sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đua nhau giảm giá thuê bao để cạnh tranh.

Doanh thu bình quân trên một thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, nhưng việc phát triển thuê bao của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do bị cạnh tranh bởi các loại hình dịch vụ mới như truyền hình OTT lậu và nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên loại hình dịch vụ này diễn ra phổ biến.

Do vậy, vấn đề bảo vệ quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, thúc đẩy việc tăng doanh thu bình quân/thuê bao, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam.

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông về vấn đề tình trạng ăn cắp bản quyền đang ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho rằng cần phải tìm giải pháp cho việc làm thế nào để chống vi phạm và không vi phạm bản quyền. Theo ông Lương thì thời gian vừa qua, Đài truyền hình Việt Nam đang bị vi phạm bản quyền một cách trắng trợn.

Nhiều ý kiến tham luận tìm giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền
Nhiều ý kiến tham luận tìm giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền

Còn ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long khẳng định: “Tình trạng ăn cắp bản quyền ở Việt Nam ở mức khủng khiếp. Đài PTTH Vĩnh Long bị vài trăm trang web ăn cắp lại nội dung bản quyền, trong đó có rất nhiều nhà mạng, trang web lớn có tên tuổi. Họ đua nhau ăn cắp, làm giàu từ ăn cắp. Điều này không chỉ gây tác hại rất lớn đến Đài mà còn ảnh hưởng đến người dân”.

Ông Nguyên cũng mong muốn các đơn vị có trách nhiệm liên quan cần làm mạnh hơn nữa để chấn chỉnh hoạt động phi pháp trong vấn đề bản quyền. Nếu không chấn chỉnh được tình trạng này thì không thể bàn tính đến việc xây dựng và phát triển ngành giải trí Việt Nam trong tương lai.

Nguyễn Thùy