Báo cáo Thủ tướng 6 dự án đường sắt đô thị “đội” vốn

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện 6 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội và TPHCM, cùng với những giải trình về nguyên nhân gây chậm tiến độ và việc tất cả các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.<br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/toan-bo-cac-du-an-duong-sat-do-thi-phai-dieu-chinh-tong-muc-dau-tu-948242.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Toàn bộ các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/diem-mat-nhung-du-an-duong-sat-do-thi-doi-von-khung-942884.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;“Điểm mặt” những dự án đường sắt đô thị “đội” vốn… khủng!</b></a>

6 dự án ĐSĐT đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM bao gồm: Dự án ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án xây dựng ĐSĐT Hà Nội - tuyến số 1 (giai đoạn 1); Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông; Dự án ĐSĐT tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM); Dự án ĐSĐT tuyến số 2 (giai đoạn 1), đoạn Bến Thành - Tham Lương (TPHCM).

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 6 dự án ĐSĐT nói trên, Bộ GTVT cho biết, đây đều là những dự án lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có quy mô và tổng mức đầu tư (TMĐT) rất lớn và sử dụng vốn vay ODA. Công nghệ áp dụng đều là công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến, có độ tin cậy cao trong khai thác và vận hành (Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Trung Quốc…); xuất xứ hàng hóa của các dự án thường bị ràng buộc bởi các điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định.

Báo cáo Thủ tướng 6 dự án đường sắt đô thị “đội” vốn
Tất cả các dự án ĐSĐT đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ dẫn tới phải điều chỉnh TMĐT

Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, TMĐT tăng từ 50,2 - 172% so với TMĐT ban đầu và điều chỉnh tiến độ từ 2-4 năm. Nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan gây chậm tiến độ và phải điều chỉnh TMĐT đã được Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng, trong đó những vấn đề được đề cập tới xảy ra từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn tổ chức thực hiện các dự án.

Từ thực tế thực hiện các dự án ĐSĐT, Bộ GTVT đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, lập quy hoạch chi tiết các dự án ĐSĐT trong quy hoạch xây dựng chung để xác định chỉ giới quy hoạch và các công trình kiến trúc, nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu khi thương thảo, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án cần có sự so sánh với suất đầu tư quốc tế cho phù hợp và cần quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, thường xuyên rà soát, kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém không đủ năng lực…

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM do Bộ trưởng Bộ GTVT là Trưởng ban. Phó ban là các Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Hà Nội, TPHCM và đại diện các Bộ, ngành liên quan làm thành viên Ban Chỉ đạo nhằm đôn đốc việc thực hiện các dự án và tăng cường sự phối hợp của các Bộ ngành với các địa phương trong quá trình triển khai dự án.

Trong báo cáo, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận và chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có dự án thực hiện các biện pháp có liên quan. Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục giám sát để tránh xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án.

Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, hồi trung tuần tháng này, Bộ GTVT đã họp kiểm điểm việc triển khai tất cả các dự án ĐSĐT, cuộc họp có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và lãnh đạo 2 thành phố lớn có dự án ĐSĐT là Hà Nội và TPHCM.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, ở các dự án có sự lơ là, chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa có sự chủ động giải quyết nhanh chóng, sự quyết liệt trong vào cuộc với các dự án ĐSĐT dẫn đến chậm tiến độ. Cùng với đó, bản thân các địa phương là Hà Nội và TPHCM cũng thực sự chưa quyết liệt nên dự án chậm tiến độ đã dẫn tới tăng TMĐT.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh,việc quản lý chặt chẽ hiệu quả vốn vay của nước ngoài và vốn đối ứng của Chính phủ là trách nhiệm của Bộ GTVT và 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, phải đảm bảo tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả.

Châu Như Quỳnh