Đấu tranh phòng chống tham nhũng góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, qua đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.
Năm 2022, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kịp thời đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế tội phạm về trật tự xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.
Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về nhiều mặt công tác của ngành Công an.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của lực lượng CAND trong năm 2022. Sự đóng góp to lớn của lực lượng CAND đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể những kết quả đó là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Năm 2022 là một năm an toàn, bình yên, an ninh quốc gia được giữ vững, củng cố ngày càng vững chắc trên các lĩnh vực, địa bàn; tham gia tích cực, hiệu quả hoạch định, triển khai các hoạt động đối ngoại, đối nội của Đảng, Nhà nước; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Lực lượng CAND đã cố gắng, nỗ lực trong nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng, chiến lược về đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại của đất nước. Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Đã tập trung điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng quy định pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Qua đó, tình hình an ninh, trật tự có chuyển biến tích cực, tốt hơn nhiều so với năm 2021 và những năm trước đây, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, mang lại cuộc sống thật sự bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
PV: Năm 2022, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đã được đẩy lên một mức cao hơn, nghiêm khắc hơn, toàn diện hơn. Ngành Công an đã đóng góp như thế nào trong cuộc đấu tranh này, thưa Bộ trưởng ?
Bộ trưởng Tô Lâm: Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng, Nhà nước ta khởi xướng và lãnh đạo toàn diện, đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được kết quả hết sức quan trọng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong thành tích chung đó, có những đóng góp rất quan trọng của lực lượng CAND.
Đặc biệt, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành Công an đẩy mạnh. Lực lượng Công an tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong tổ chức thực hiện trên cả hai phương diện: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch nội bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chức năng của lực lượng CAND; luôn bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động nhận diện, xác định địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để triển khai các mặt công tác nghiệp vụ (trái phiếu, chứng khoán, phòng chống dịch, đất đai...).
Riêng công tác khởi tố, điều tra án tham nhũng, tiêu cực đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là "điểm sáng" trong giai đoạn vừa qua. Thực tế cho thấy, đây là khâu có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến công tác truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai". Qua đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước, đảm bảo được quyền lợi của nhân dân; tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng trong chỉ đạo điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật; giúp cho toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị nhận thức rõ việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế "không thể đảo ngược"; "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng".
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc chủ động xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở.
PV: Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong năm 2023, yêu cầu đặt ra là "Thực hiện đồng bộ các biện pháp kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân", với mục tiêu lấy phòng ngừa làm trọng, đánh vào gốc các loại tội phạm. Xin Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu này?
Bộ trưởng Tô Lâm: Năm 2023, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phát huy vai trò nòng cốt chủ động nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Tiếp tục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống tội phạm, hoạt động của các Tổ hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tuần tra nhân dân… Đồng thời rà soát, đề xuất Chính phủ, Nhà nước, Đảng, Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực nhằm xây dựng xã hội thật sự an toàn, kỷ cương, kỷ luật.
PV: Một trong những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong năm 2022 là đã chủ động tham mưu với Bộ Chính trị ban hành và tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết?
Bộ trưởng Tô Lâm: Đảng ủy Công an Trung ương xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, xuyên suốt từ nay đến năm 2030.
Thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công Chỉ đạo cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phát huy vai trò người đứng đầu, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong quán triệt, phổ biến, triển khai Nghị quyết số 12 và Kế hoạch số 118 theo phương châm 5 rõ: "Rõ người - rõ việc - rõ tiến độ - rõ kết quả - rõ trách nhiệm''. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo phương châm "xây dựng con người là trung tâm, hiện đại trước, kết hợp hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, phù hợp". Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
PV: Năm 2023 được dự báo là năm chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo tác động trực tiếp, nhiều mặt đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành Công an có những giải pháp gì để hoàn thành các mặt công tác trọng tâm trong năm nay?
Bộ trưởng Tô Lâm: Thời gian tới, phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, với phương châm: "Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", lực lượng CAND sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ", phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực, các địa bàn chiến lược, thành phố lớn.
Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông và cháy nổ, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và các vụ cháy nổ...
Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá là: Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, trọng tâm là hiện đại về con người, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ Công an vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho Công an cấp huyện, xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, dự báo chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các mặt công tác công an../.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!