Báo cáo Chính phủ nếu cử tri 2 lần không đồng ý sáp nhập huyện, xã

Hoài Thu

(Dân trí) - Trường hợp lấy ý kiến cử tri lần thứ 2 vẫn chưa đạt trên 50% đồng thuận, UBND cấp tỉnh cần báo cáo Chính phủ đề xuất sắp xếp các huyện, xã trong giai đoạn tiếp theo, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 117 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Năm 2024 hoàn thành sáp nhập nhiều huyện, xã

Về lộ trình sắp xếp giai đoạn 2023-2025, Chính phủ yêu cầu năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định liên quan việc sáp nhập huyện, xã, nhằm khắc phục những tồn tại trong giai đoạn 2019-2021.

Các địa phương cần xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, theo Nghị quyết của Chính phủ.

Những đơn vị này gồm: huyện, xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.

Báo cáo Chính phủ nếu cử tri 2 lần không đồng ý sáp nhập huyện, xã - 1

Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh có báo cáo nếu 2 lần lấy ý kiến cử tri vẫn không đạt trên 50% đồng thuận về việc sáp nhập huyện, xã (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sáp nhập phù hợp với thực tiễn để giảm số lượng, tăng quy mô của từng đơn vị, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

Năm 2024, theo yêu cầu của Chính phủ, phải hoàn thành việc sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên.

Song song với việc này, cần tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại các đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.

"Chậm nhất hết năm 2024, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019-2021", Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết dôi dư, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Năm 2025, Chính phủ nêu mục tiêu tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có đơn vị mới hình thành sau sáp nhập.

Để thực hiện thủ tục hành chính sau sáp nhập, Chính phủ yêu cầu thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các cơ quan và thực hiện chuyển đổi giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành cấp huyện, cấp xã sáp nhập giai đoạn 2023-2025.

Chính phủ giao UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bố trí nguồn lực đầu tư và có lộ trình, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị phù hợp.

Lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập huyện, xã

Về xử lý trụ sở của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã sáp nhập, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý để chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng, hoặc tổ chức thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở dôi dư, không sử dụng do sáp nhập.

Nguồn kinh phí từ việc thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở dôi dư được bổ sung cho ngân sách địa phương. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Chính phủ yêu cầu báo cáo Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp có liên quan đến việc sáp nhập, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao hướng dẫn các địa phương những trường hợp thuộc diện được lập mới; những trường hợp thuộc diện chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới.

Để đảm bảo đồng thuận, Chính phủ nhấn mạnh phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025.

Nếu quả lấy ý kiến cử tri chưa đạt trên 50% đồng thuận, UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri và căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức lấy ý kiến cử tri lần thứ 2. 

Trường hợp lấy ý kiến cử tri lần thứ 2 vẫn chưa đạt trên 50% tổng số cử tri đồng thuận, UBND cấp tỉnh cần báo cáo Chính phủ đề xuất sắp xếp các huyện, xã này trong giai đoạn 2026-2030.