Bàng hoàng rốn lũ Lục Ngạn
Lục Ngạn là huyện thiệt hại nặng nhất ở Bắc Giang sau khi nước lũ tràn về. Đã 2 ngày trôi qua, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong khi đó, còn rất nhiều xã đang bị cô lập và công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.
Từ đêm 24 đến chiều tối ngày 27/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có mưa to đến rất to, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.
Mưa lớn đã khiến cho các địa phương này bị chìm trong lũ lụt và chịu thiệt hại nặng về người và tài sản. Toàn tỉnh đã có 9 người chết, 8 người bị thương, gần 10 nghìn ha lúa đang trong thời kỳ trổ bông bị mất trắng, hàng trăm ngôi nhà bi sập đổ, trôi hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, hàng vạn con gia súc gia cầm bị chết.
Đến thời điểm này, Lục Ngạn là địa phương đang phải chịu thiệt hại nặng nhất do lũ lụt gây ra ở Bắc Giang.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mão ở thôn Thủ Dương xã Nam Dương (Lục Ngạn) đến bây giờ vẫn chưa dám về nhà, dù nước lũ đã bắt đầu rút. Cả 4 người trong gia đình gồm 2 người lớn và hai cháu nhỏ 1 và 3 tuổi vẫn đang trú nhờ nhà hàng xóm.
Bà Mão kể lại: “Giữa đêm đang ngủ thì lũ tràn về, chỉ trong thời gian ngắn nước đã ngập ngang nhà. Cả gia đình không kịp thoát ra ngoài đành leo dần lên nóc nhà. May mà đúng lúc đó, có xuồng cứu nạn của công an huyện đi qua nghe tiếng kêu cứu đã kịp đưa cả nhà đến nơi an toàn”.
Tại thôn Thủ Dương, cũng có hàng trăm gia đình cùng trong hoàn cảnh như gia đình bà Mão. Người đã được cứu thoát, nhưng tài sản trong nhà thì hầu như đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Ông Lê Văn Dần, một người dân trong thôn cho biết: “Hiện đang là giữa thu nên không ai nghĩ sẽ có lũ lớn. Mọi người chỉ kê kích tài sản lên cao, nhưng không ngờ nước lại lên nhanh và cao đến vậy, nên không ai chạy được tài sản ra ngoài”.
Là làng nghề chuyên làm mỳ nổi tiếng, hầu như nhà nào ở thôn Thủ Dương cũng cất trữ gạo trong nhà và nuôi khá nhiều gia súc, gia cầm. Chính vì thế, thiệt hại sau trận lũ là rất lớn.
Nằm cách trung tâm huyện chưa đầy 1km nhưng bệnh viện đa khoa Lục Ngạn cũng bị nước ngập gần hết tầng 1. Hơn 170 y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, không có lương thực, nước uống.
Theo ước tính, đến thời điểm hiện nay (27/9), toàn huyện Lục Ngạn đã có 3 người chết do lũ cuốn, nhiều tuyến đường bị ngập úng, chia cắt, điện mất, thông tin liên lạc bị gián đoạn, hơn 200 ngôi nhà bị lũ cuốn sập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà khác bị ngập trong nước lũ.
Hơn 3 nghìn hộ dân trong huyện đã bị thiệt hại về tài sản do nước lên không di dời kịp, 3 nghìn ha lúa đang trổ bông, phơi mầu bị ngập úng sâu trong nước lũ, nhiều cột điện cao thế, hạ thế và dường dây thông tin liên lạc bi gãy đổ. Ước tính, thiệt hại tại huyện miền núi Bắc Giang này lên tới gần 200 tỷ đồng.
Khó khăn cứu trợ
Chiều 27/9, mặc dù mưa vẫn còn nhưng nước lũ đã bắt đầu rút. Ngay lập tức, huyện đã thành lập Ban chỉ huy khắc phục hậu quả báo lũ, cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương để cứu trợ các gia đình bị nạn và các gia đình thiệt hại nặng do bão lũ.
Tuy nhiên, do trên tuyến QL31 qua địa bàn nhiều đoạn vẫn bị chia cắt và ngập đến hơn 1m nên các phương tiện cứu hộ, cứu trợ đi lại rất khó khăn.
Toàn huyện Lục Ngạn chỉ có 3 chiếc xuồng máy, trong khi đó 28/30 xã đều bị cô lập trong nước lũ, vì vậy dù đã rất cố gắng nhưng việc vận chuyển hàng cứu trợ đến tới các hộ dân vẫn rất chậm.
Nhiều tấn hàng cứu trợ gồm mỳ tôm và nước uống từ tỉnh chuyển lên cũng chưa thể tới nơi vì đường bị ngập. Theo dự báo, phải một hai ngày tới lũ rút, hàng hóa mới được chuyển lên.
Hiện tại, huyện đang huy động nguồn lực tại chỗ gồm hàng nghìn thùng mỳ và nước khoáng để cứu trợ nhân dân, đồng thời vận động người dân phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ để tự khắc phục.
Các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất đã được lên kế hoạch chi tiết và phân công nhiện vụ đến từng ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn để triển khai ngay khi có thể. Trong đó, mục tiêu trước mắt là không để các hộ dân phải chịu đói.
Quên mình trong lũ
Trong lũ bão, mặc dù hầu hết các hộ gia đình đều ít nhiều bị thiệt hại, nhưng giữa lúc khó khăn mọi người vẫn phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau cùng vượt qua bão lũ.
Gia đình bà Chu Thị Thập ở thôn Thủ Dương (xã Nam Dương) ở vị trí cao nên không bị ngập lụt. Mặc dù trong nhà bà có 2 bể nước lớn đủ cho sinh hoạt gia đình trong nhiều ngày, nhưng mỗi khi có mưa, bà vẫn cặm cụi hứng từng thùng nước rồi chứa vào bình cất đi.
Con bà cứ khuyên, bà đã 70 tuổi rồi, đừng ra ngoài nguy hiểm. Nhưng bà bảo: “Trong xóm nhiều nhà bị ngập làm gì có nước ăn, mình cứ dự trữ để đấy ai khó khăn thì giúp”.
Trong số nạn nhân bị tử nạn do bão lũ, có em Lê Thế Đô, học sinh lớp 12. Trên đường Đô đi học về, một bạn gái cùng lớp khi đi qua đoạn đường nước chảy siết không may bị ngã.
Đô đã không quản nguy hiểm, lao xuống dòng nước lũ cứu bạn. Nhưng đến khi cứu được bạn thì em đã quá đuối sức và bị nước lũ cuốn đi.
Hiện các lực lượng cứu hộ của huyện và xã đang huy động mọi nguồn lực tìm kiếm, nhưng vẫn chưa tìm thấy xác em.
Theo VietNamNet