1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ

(Dân trí) - “Dưới chân một tảng chuẩn bị trôi, cuống quýt tôi kịp bấu vào tảng đá để leo lên phía bên kia núi. Vừa sang thì nghe tiếng đá sập ầm ầm”, anh Phan Thế Ái - người may mắn thoát nạn trong vụ sập mỏ đá ở Nghệ An bàng hoàng kể lại.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 1
Đến bây giờ chị Ngân vẫn chưa hết sợ hãi làm nghề phu đá...

Nỗi đau qua lời kể...

Những ngày qua nơi mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An vẫn bao trùm tang thương vô bờ bến. Từ làng trên xuống xóm dưới và 4 xã kề cận cũng chung chịu một ngày đại tang. Đây được xem là ngày cá tháng tư và là vận đen tối nhất ở xã Nam Thành với 18 người mãi vĩnh viễn ra đi về thế giới bên kia, họ bỏ lại cho người thân những nỗi đau, sự mất mát quá lớn.

Lèn Cờ tang tóc, lẫn vào đâu đó là câu chuyện chưa kể của những người may mắn thoát chết trong vụ sập mỏ đá hôm 1/4. Cách Lèn Cờ 500m là nhà chị Vũ Thị Ngân,  chân tay vẫn còn run chị Ngân kể cho tôi nghe về cái ngày thứ 6 định mệnh cướp đi 18 con người Nam Thành. Chị bảo, nỗi đau đó là nỗi đau nhớ đời không thể nào phôi pha, ám ảnh chị, con cái và cả cái xã này suốt cuộc đời.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 2
Những đứa trẻ tội nghiệp đứng trước di ảnh mẹ mà chẳng biết mẹ đã chết...

Đôi mắt đỏ hoe vì thức mấy đêm liền sau cái ngày định mệnh chị thoát chết, chị bảo: “Sáng hôm đó (ngày 1/4) mọi người cũng vì cuộc sống vất vả nên phải mưu sinh. Khoảng 7 giờ mọi người có mặt tại chân Lèn Cờ và tiến hành đứng máy, người bốc đá, kẻ đứng xay... Và cứ thế tiếng máy xay đá kêu ồn ào cả một vùng lèn. Khoảng hơn 15 phút đứng bốc đá bỏ vào thùng để xay thì thấy chị Vân (chị Nguyễn Thị Vân - chị dâu chị Ngân) gọi về nhà có chút việc. Hai chị em đi được khoảng 200 bước chân thì nghe sầm. Quay lưng nhìn lại thấy những tảng đá lớn đang từ đỉnh lèn đổ ầm ầm xuống khu vực đặt máy móc và các lao động đang làm. Chỉ trong giây lát một bãi đá khổng lồ lật úp xuống khu vực chân lèn và tôi chẳng còn nhìn thấy máy móc, người bạn đâu cả. Lúc đó tôi chỉ biết van lên trời ơi sập lèn đá đè chết hết người rồi....”.

Nói đoạn chị Ngân đưa tay lên lau khóe mắt khi nghĩ về những người thân của mình chết tức tưởi dưới hàng trăm ngàn tấn đá đè lên mà lòng xót xa. “Phúc cho tôi và cả gia đình tôi lúc này. Không hiểu sao hôm đó trời xui đất khiến thế nào mà hai chị em lại rủ nhau về nhà, thế là...”, chị Ngân ngắt giọng.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 3
Nỗi đau cho một thế hệ. Khi con lớn lên đã không còn mẹ...

Người cũng được xem là may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong vụ sập đá Lèn Cờ là anh Nguyễn Văn Hùng (xã Nam Thành), anh kể lại: “Tôi làm nghề lái công nông chở đá thuê, sáng hôm đó đang đánh xe công nông vào để bốc đá chở cho khách, nhưng vừa đến khu vực lèn thì nghe tiếng động và đá truồi từ trên núi xuống. Quá hốt hoảng tôi hô to để mọi người chạy nhưng do tiếng máy nổ lớn quá nên chẳng ai chạy kịp. Lúc đó tôi cũng vội vàng vọt xuống khỏi xe rồi chạy một mạch như ma đuổi. Cách lèn khoảng 150m khi nhìn lại thì chỉ thấy một đống đổ nát, xe công nông của tôi cũng bị chôn vùi trong đó. Ôi xót xa làm sao, phận những người làm đá như chúng tôi...”.

“Phải dứt cái nghề bạc này thôi...”

Trong số 6 nạn nhân bị thương nặng được đi cấp cứu tại các bệnh viện tỉnh Nghệ An đến thời điểm này (3/4) đã có 2/6 người bình phục đã trở về nhà. Ở vào cái tuổi 45 đáng lẽ bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1967, xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) được nghỉ ngơi bế cháu, trông nhà và lo việc vặt trong gia đình. Nhưng vốn nhà nghèo, cuộc sống khó khăn túng thiếu đủ đường, con cái đứa nào cũng nghèo nên hằng ngày bà vẫn phải còng lưng đi làm phu đá.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 4
Với bà Nhung may mắn thoát khỏi án tử thần là điều diệu kỳ.

Ngày định mệnh hôm đó (1/4), bà Nhung đã may mắn thoát khỏi án tử thần, nhưng thân thể không còn lành lặn khi bị đá cán đứt hai ngón chân, gãy chân và phải đi cấp cứu ở BV 115 Nghệ An. Bà Nhung bùi ngùi kể lại: “Thời khắc định mệnh hôm đó, tôi bước hơn chục mét cách chân lèn thì nghe đá ầm ầm lao từ trên núi xuống. Cuống quýt ngọng miệng chẳng gọi nổi mọi người chạy thoát. Tôi chạy được một đoạn thì một viên đá bắn xuống trúng chân cắt đứt 2 ngón chân. Lúc đó tôi nằm đớ người trên bãi rộng (cách chân lèn khoảng 40m - PV) chỉ biết nhìn vào đống đá đổ sập đè lên những người trong đó và thế là hết rồi chú ơi. Mấy đời nông dân chúng tôi làm nghề phu đá này sướng đâu đen đủi lắm. Nhưng ngoài đồng ruộng ra chẳng có nghề gì khác nên đành ngậm ngùi đánh cược tính mạng với tử thần nơi mỏ đá...vậy”.

Cũng như bà Nhung, anh Phan Thế Ái (sinh năm 1971, xóm Bội Châu, Nam Thành) dù thoát nạn nhưng cũng bị thương khá nhiều trên thân thể: phải khâu nhiều mũi chỉ trên trán, người bầm tím vì va đập vào đá. Đến bây giờ nỗi ám ảnh vụ sập Lèn Cờ ngày 1/4 những gì anh thấy, anh vượt qua và anh không thể tin nổi mình sống thật.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 5
Anh Phan Thế Ái chưa hết bàng hoảng kể lại cái ngày định mệnh mình được may mắn...

Anh kể: “Khoảng 7 giờ 15 phút, tôi leo lên đỉnh núi, bám ở sườn mỏ Lèn Cờ tiến hành khoan để nhồi thuốc nổ thì thấy những mảng đá lớn rung chuyển và bắt đầu trôi xuống. Lúc này quá hoảng hốt tôi vội vàng hô hoán để mọi người dưới chân lèn chạy thoát nhưng họ đã không nghe vì tiếng máy nổ lớn quá. Dưới chân một tảng đang trên đà xê xịch chuẩn bị tuột xuống cuống quýt tôi kịp bấu vào tảng đá chưa trôi để leo lên trên đỉnh núi và xuống bên kia núi. Vừa sang bên kia núi thì nghe tiếng đá sập ầm ầm và một lát sau chuông điện thoại gọi liên hồi và biết rằng những người đang làm việc dưới chân núi đã bị vùi lấp một lớp đá dày... Thế là hết...”.

Cũng theo anh Ái, hôm đó tổ thợ khoan đến muộn nếu không con số nạn nhân chết lên đến hàng chục người. “Rất may hôm đó tổ thợ khoan (khoảng 5 người) đi làm muộn, nếu không con số thương vong sẽ nhiều hơn. Cái nghề leo đá như chúng tôi số phận luôn đánh cược với tử thần đó, may mắn này tôi phải dứt cái nghề bạc này thôi...”, anh Ái tâm sự.

Đúng như lời anh Ái, quả là cái nghề bạc bẽo tính mạng luôn luôn bị rình rập. Dẫu biết rằng cái nghề phu đá là bạc nhưng những người nông dân chân chất sau mỗi vụ mùa chẳng còn nghề gì khác nên cứ thế phó mặc tính mạng mình để mưu sinh.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 6
Ngày đại tang ở xã Nam Thành với 14 ngôi mộ mới... vì đá.

Trời xế bóng nơi xã nghèo Nam Thành không khí nơi đây u ám, lạnh lẽo đến thê lương từ đường làng, ngõ xóm nơi đâu cũng chăng đầy cờ tang, xe tang... Trong nghĩa trang Nam Thành với 14 ngôi mồ mới đắp lên và những nắm hương được người thân, bạn bè thắp vội cắm lên cháy nghi ngút. Thấp thoáng trong nghĩa trang vẫn còn người thân oặt ẽo bên ngôi mộ khóc than.

Thêm một lần nữa người Nghệ An tiếp tục phải chứng kiến cảnh sập núi đá với 18 con người ký thác dưới suối vàng. Trước đó, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15/12/2007, tại mỏ đá D3 - công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương - Nghệ An) đã xảy ra sập núi (Sập núi đá, vùi chết 18 công nhân) làm 18 công nhân đang làm việc tại đây bị đá đè chết dưới lớp sâu hàng chục mét.

Bàng hoàng lời kể nạn nhân thoát chết trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ - 7
Đây là vụ sập Lèn Nậy, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An vào ngày 12/1/2008 làm chết 3 người phụ nữ.

Được biết, vụ sập núi đá D3 xảy ra khi các công nhân tiến hành lấy đá thi công công trình thủy điện Bản Vẽ. Trong lúc đang làm việc thì bất ngờ đá từ ngọn núi cao hàng trăm mét ào ào đổ xuống. Tất cả công nhân làm việc phía dưới không kịp trở tay và bị vùi dập. Vụ sập núi D3 làm 18 con người chết và mất hẳn gần một tháng trời tìm kiếm mới đưa được các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Cũng không lâu sau đó, vào lúc 15 giờ ngày 12/1/2008, tiếp tục xảy ra vụ sập Lèn Nậy (Lại sập núi đá làm 3 người chết, 7 người bị thương) làm 3 người đều là phụ nữ chết tại chỗ.

Như vậy, từ tháng 12/2007 đến tháng 4/2011, nghĩa là 4 năm qua tỉnh Nghệ An chứng kiến 3 vụ sập núi đá lớn làm chết 39 người, hàng chục người khác bị thương.
 
 
Nguyễn Duy